Tôi biết thầy khi học năm cuối lớp 7, bố mang tôi ra ở cùng khu tập thể của trường để ôn thi vào cấp 3, nhà tôi ở quê lúc ấy chưa có trường, tôi gọi thầy bằng chú, không phải vì trông già mà do thầy gọi bố tôi là anh. Sau vào đại học tôi gọi thầy xưng em, lúc thành đồng nghiệp, mấy lần định chuyển qua gọi là anh mà mãi chưa dám.
Khi tôi mới tốt nghiệp đại học về khoa, 23 tuổi, hồi ấy tốt nghiệp đại học là có thể trở thành giảng viên tập sự, không phải tốt nghiệp Thạc sĩ như bây giờ, tôi bị phân công ngay làm bí thư đoàn, hình như chức bí thư đoàn là thử thách cho tất cả giáo viên mới, không phải hồi ấy mà ngay cả bây giờ. Lúc ấy Khoa Trồng trọt có thầy Trần Văn Điền (nguyên hiệu trưởng nhà trường), là phó khoa, thầy Nguyễn Ngọc Nông lúc ấy được giao phụ trách đoàn thanh niên. Tôi không biết hát, không thể thao, không thích giao tiếp chỗ đông người, được giao làm bí thư. Hồi ấy, tuy rất khó khăn nhưng phong trào đoàn cũng rất mạnh, vào dịp 20.11, mỗi khoa đều phải tự tổ chức một đêm văn nghệ, do không có nhiều công nghệ giải trí như bây giờ nên đêm văn nghệ rất quan trọng, các khoa đều phải tập luyện trước một tháng. Thầy Nông, thầy Điền tối nào cũng phải vào khoa để chỉ đạo tập luyện, cô Thùy, giáo viên của Khoa làm biên đạo múa. Tôi nhớ có lần tôi cần đi từ phòng tập xuống ký túc xá để gọi sinh viên, tôi mượn xe đạp của thầy Nông để đi mà không sao đi được, xe thì yên rách, bi đan thì bàn đạp bị hỏng còn mỗi cái bút chì không, thế mà thầy tối nào cũng phải đạp xe vào trường để tập với chúng tôi, có hôm tập đến 12 h đêm mới kết thúc. Khoa Trồng trọt lúc ấy chỉ có 4 lớp sinh viên, khoảng hơn 150 sinh viên, không có ai có thể hát đơn ca, tuy vậy mà vẫn làm một đêm văn nghệ hoành tráng. Áo dài đi mượn của các cô giáo, có hai tiết mục múa xuất sắc, mà thầy Nguyễn Đình Thi của khoa Quản lý tài nguyên bây giờ là một diễn viên, váy áo diễn viên, loa đài của hoàn toàn đi mượn của các thầy cô giáo trong khoa. Đèn màu được chế do cắt giấy màu xanh đỏ để che ánh sáng khi sân khấu cần đổi màu. Đêm văn nghệ của khoa tuy không có đơn ca nhưng đầy đủ tiết mục từ đồng ca, tốp ca, kịch nói, múa.., dành giải nhất toàn trường. Lúc được giải, thầy Điền nói với tôi: Do các bạn sinh viên luyện tập cả tháng rồi, nên lúc tổng kết nên có một chút gì cho các bạn liên hoan, không được cho các bạn ấy ăn bánh kẹo nữa, năm 1992, có nhiều nhà hàng, có tiền như bây giờ đâu, phần thưởng cho giải nhất có 30 nghìn. Chưa hết choáng váng, gặp thầy Nông lại bảo: Buổi tổng kết ấy phải làm trang trọng!!!, hai thầy đều căng thẳng, đều có ý kiến riêng, ôi tôi biết làm sao? Tủi thân quá, chẳng biết chia sẻ cùng ai, tôi một mình ra đứng góc sân hội trường, khóc nức nở. Trong cái rủi có cái may, ông xã tôi bây giờ, lúc ấy còn chưa yêu, đi ngang qua hội trường lúc ấy, dừng lại hỏi tôi bị làm sao. Chắc giờ phút ấy, anh bị mũi tên của thần tình yêu bắn trúng, nên tôi đang bị xếp vào nhóm ế lại kiếm được ông chồng tốt nhất quả đất. Khóc lóc cũng chẳng giải quyết được gì, tối về nghĩ cách mãi, đành phải kết hợp ý tưởng lớn của hai thầy lại vậy, tối hôm tổng kết, tập trung cả đội văn nghệ vào khoa, tôi viết một bài diễn văn ngắn, kể về công sức của cả đội, của thầy cô giáo, tặng thầy Nông bức tranh biển cả và con tàu, cô Thùy biên đạo múa bức tranh hoa hồng đỏ, thầy Điền bức tranh đàn ngựa trên thảo nguyên, mỗi bức có 2 nghìn, do hồi đấy mốt đang là tặng tranh, tranh chụp thôi, không phải tranh lụa, tranh thêu, đá quý như bây giờ. Cũng rất trang trọng và ấm cúng, tôi có trình bày với chú Phan, phụ trách nhà ăn của trường, nhờ các cô nấu bếp chế biến cho các bạn mỗi người một bát phở, bây giờ gọi là phở không người lái, lạc rang và có rượu, sau khi chúng tôi tổng kết ở khoa xong sẽ đến liên hoan tại khu nhà ăn của trường. Đến giờ, qua bao buổi tổng kết văn nghệ rồi tôi vẫn nhớ nhất đêm tổng kết ấy, một đêm rất trang trọng, rất vui vẻ, kết hợp được hai ý tưởng, đúng là hai cái đầu vẫn hơn một thật.
Kỷ niệm với thầy còn nhiều, nhớ lúc khoa tách ra khỏi khoa Nông học, 16 thầy cô bỡ ngỡ, văn phòng làm việc còn chưa có, đặt nhờ tại trung tâm Phát triển nông nghiệp miền núi, lúc ấy thầy đã đưa chúng tôi đi học các môn học của ngành Quản lý đất đai, ai cũng phải soạn bài giảng mới, không thế thầy còn mạnh dạn ký kết hợp đồng đưa học trò, đưa chúng tôi đi làm dự án ở các nơi, nhờ thế mà chúng tôi ai cũng trưởng thành, ai cũng biết kết hợp giữa đào tạo và chuyển giao khoa học công nghệ. Năm 2004, Khoa mở thêm ngành Khoa học môi trường, chúng tôi lại theo thầy về trường Đại học Bách khoa Hà Nội, học môn học mới, tiếp tục giảng dạy thêm ngành Khoa học môi trường. Thầy đã cho chúng tôi bài học lớn, không quan trọng mình được đào tạo ngành gì, quan trọng là tính tự học, tính sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của mình đến đâu, việc gì mình tâm huyết, chịu khó học hỏi, cố gắng thế nào cũng thành công.
Bộ môn Khoa học đất của chúng tôi, có ba thầy giáo khi còn đang làm việc thì bị mất do bệnh nặng, là thầy Đậu, thầy Việt, thầy Hà, khi còn làm trưởng khoa, năm nào thầy cũng đưa chúng tôi ra mộ thắp hương cho ba thầy, chỉ là bó hoa vào mỗi chiều ngày 26 Tết, nhưng tôi hiểu không phải ai cũng biết, cũng làm và duy trì được điều ấy. Nghĩa của học trò với thầy giáo cũ, với đồng nghiệp được thầy ghi nhớ, tinh thần ấy như là tấm gương, như là bài học để cho chúng tôi, giáo viên, học trò lớp lớp những thế hệ đi sau nhìn theo và học tập.
Đã tròn 20 năm ngày thầy dẫn chúng tôi tách khỏi khoa cũ, tròn 23 năm khóa đào tạo đầu tiên của ngành Quản lý đất đai tốt nghiệp, đã có hơn 5000 kỹ sư, 1412 thạc sĩ, 9 tiến sĩ ngành quản lý đất đai đã trưởng thành từ đây. Sinh viên tốt nghiệp có hơn 400 em nắm giữ các chức từ trưởng, phó phòng, giám đốc doanh nghiệp, 40 em có chức vụ từ phó chủ tịch huyện trở lên, học trò khóa 27 đầu tiên của khoa, xuất sắc nhất, em Trịnh Việt Hùng, nay đã trở thành Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh Thái Nguyên. Cô bí thư đoàn mà thầy dìu dắt năm nào nay cũng đã trưởng thành. Hôm nay, Em viết bài viết này thay cho bó hoa gửi đến thầy nhân ngày Nhà giáo, thay cho lời hứa với thầy sẽ gìn giữ, phát huy những truyền thống tốt đẹp đã có, duy trì và phát triển khoa ngày càng lớn mạnh. Chúc thầy lúc nào cũng là thuyền trưởng trên con tàu với đại đương, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, với khoa, để khi nào khó khăn, học trò lại có thể đến để hỏi: Thầy ơi!....
Tâm sự của Thầy Nguyễn Ngọc Nông trong kỷ yếu 20 năm của khoa
Tác giả chụp ảnh cùng thầy Nguyễn Ngọc Nông tại Pác Pó năm 2014
Vũ Thị Thanh Thủy
Thái Nguyên, ngày 20.11.2021