1. Mở đầu
Đô thị hóa là hiện tượng xã hội tất yếu, thúc đẩy phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới [1]. Trong quá trình đô thị hoá, cùng với việc gia tăng dân số đô thị là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và sử dụng đất [2; 3]. Về mặt kinh tế, đô thị hóa là quá trình chuyển dịch hoạt động nông nghiệp sang hoạt động phi nông nghiệp tập trung trên một số địa bàn thích hợp [4]. Trên góc độ dân số và lao động, đô thị hoá là quá trình chuyển đổi cơ cấu dân số từ lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp và dịch vụ. Những người nông dân trước đây gắn bó với ruộng vườn, sau khi trở thành dân cư đô thị, họ bị mất phần lớn ruộng đất canh tác. Với số tiền được Nhà nước bồi thường và hỗ trợ, họ dùng để tạo nghề mới, xây dựng nơi cư trú mới… và cuộc sống của họ thay đổi dần với nguồn thu nhập mới. Khi chuyển đổi sang các ngành nghề phi nông nghiệp, nhìn chung thu nhập của người dân được tăng lên. Tuy nhiên, do chịu sự tác động của nhiều yếu tố, tốc độ tăng trưởng thu nhập của mỗi cá nhân, mỗi nhóm xã hội, mỗi nghề nghiệp rất khác nhau. Sự phân hoá giàu nghèo trở nên ngày càng rõ rệt trong bối cảnh đô thị hóa [4].
Huyện Vân Đồn là trung tâm du lịch biển đảo và cung cấp dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp vùng Đồng bằng song Hồng, là đầu mối giao thương quốc tế, động lực chính để phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Trong những năm gần đây, huyện được chú trọng đầu tư cả hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nhằm đẩy nhanh tiến độ hình thành Khu kinh tế Vân Đồn.
Trong quá trình xây dựng và phát triển khu kinh tế và khu đô thị Vân Đồn, việc chuyển mục đích sử dụng đất là không thể tránh khỏi. Trong khi đó, đất đai là nguồn nội lực quan trọng, vì vậy quản lý tốt và sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất đai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Vân Đồn.
Mục tiêu của nghiên cứu này là chỉ ra thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế và sử dụng đất trong quá trình đô thị hóa và ảnh hưởng của chúng đến tình hình việc làm, thu nhập và sử dụng đất nông nghiệp của người dân trên địa bàn huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
2. Phương pháp nghiên cứu
2.1. Khu vực nghiên cứu
Khu vực nghiên cứu là toàn bộ địa giới hành chính của huyện Vân Đồn. Tuy nhiên, điều kiện địa lý tự nhiên và kinh tế - xã hội của huyện Vân Đồn có sự phân hóa rõ rệt giữa khu vực đảo lớn (vùng trung tâm) và các đảo nhỏ. Do đó, địa bàn nghiên cứu được phân thành 02 vùng để thu thập dữ liệu, so sánh và nhận định.
- Vùng 1: 07 xã/thị trấn trên đảo Cái Bầu (đảo lớn nhất huyện) và các đảo nhỏ phụ cận quanh đảo Cái Bầu ở phía Tây Bắc thuộc khu đô thị thông minh phát triển đồng bộ với quần thể khu du lịch phức hợp của huyện Vân Đồn bao gồm các xã: Đông Xá, Hạ Long, Bình Dân, Đoàn Kết, Đài Xuyên, Vạn Yên và thị trấn Cái Rồng.
- Vùng 2: tuyến đảo Vân Hải ngoài khơi phía đông của vịnh Bái Tử Long thuộc khu đô thị hỗ trợ cảng Vân Đồn là các xã: Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng, Bản Sen, Thắng Lợi.
2.2. Phương pháp thu thập số liệu
* Phương pháp thu thập dữ liệu sơ cấp: tại 02 vùng nghiên cứu, thực hiện điều tra, phỏng vấn nhanh các đối tượng là chủ hộ có đặc điểm như sau:
- Số lượng mẫu: 120 (60 mẫu/vùng)
- Cơ cấu mẫu: 20 hộ bị thu hồi hoàn toàn đất nông nghiệp, 20 hộ bị thu hồi một phần đất nông nghiệp và 20 hộ không bị thu hồi đất nông nghiệp tại mỗi vùng.
- Chủ hộ: có đủ năng lực hành vi dân sự và hiểu rõ tình hình đời sống, sản xuất và kinh doanh của hộ.
* Phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp: Các số liệu về các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế. chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tình hình quản lý và sử dụng đất được thu thập tại UBND huyện Vân Đồn.
2.3. Phương pháp thống kê, so sánh
Phần mềm IBM SPSS 22.0 được sử dụng để thực hiện các thuật toán thống kê bao gồm So sánh giá trị trung bình của hai tổng thể độc lập (Independent Sample T Test) và phân tích tương quan pearson.
3. Kết quả và thảo luận
3.1. Tình hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện Vân Đồn
Từ năm 2015 đến năm 2021, huyện Vân Đồn đã trải qua một quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế đáng chú ý, thể hiện qua sự biến động trong cơ cấu phân bố ngành nghề và đóng góp của từng ngành vào GDP của huyện (Bảng 1).
Bảng 1. Cơ cấu kinh tế huyện Vân Đồn giai đoạn 2015 – 2021
|
ĐVT
|
2015
|
2018
|
2021
|
Nhóm ngành nông nghiệp
|
%
|
38,5
|
36,8
|
28,1
|
Nhóm ngành công nghiệp
|
%
|
32,0
|
32,5
|
34,7
|
Nhóm ngành dịch vụ
|
%
|
29,4
|
30,7
|
37,2
|
(Nguồn: UBND huyện Vân Đồn)
Trong giai đoạn này, nhóm ngành nông nghiệp đã giảm đáng kể từ năm 2015 (chiếm 38,5%) đến năm 2021 (chiếm 28,1%) thể hiện sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách tích cực. Trong khi đó, nhóm ngành công nghiệp đã có sự tăng trưởng ổn định trong suốt giai đoạn, từ 32% vào năm 2015 lên 34,7% vào năm 2021. Đồng thời, nhóm ngành dịch vụ cũng có sự gia tăng đáng kể, từ 29,5% vào năm 2015 lên 37,2% vào năm 2021.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp là quá trình tất yếu và phổ biến của đô thị hóa. Sự chuyển dịch này đã và đang có những tương tác đến chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất và tình hình việc làm, thu nhập cũng như đời sống của người dân.
3.2. Tình hình chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất huyện Vân Đồn
Sự gia tăng dân số, xây dựng mới và mở rộng cơ sở hạ tầng đã làm thay đổi sử dụng đất tại các khu vực diễn ra quá trình đô thị hóa và các khu vực liền kề như thay đổi cơ cấu sử dụng đất, diện tích đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng giảm, diện tích đất phi nông nghiệp tăng [5-7].
Trong bối cảnh kinh tế - xã hội có những bước phát triển mạnh và chuyển dịch nhanh chóng, việc quản lý và sử dụng đất đai là một trong những vấn đề cốt lõi, đặc biệt là đối với các địa phương đang trải qua quá trình phát triển nhanh chóng như huyện Vân Đồn. Từ năm 2015 đến năm 2021, huyện này đã có sự biến động nhất định trong cơ cấu sử dụng đất (Bảng 2).
Bảng 2. Cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Vân Đồn giai đoạn 2015 – 2021
|
ĐVT
|
2015
|
2018
|
2021
|
Đất nông nghiệp
|
%
|
67,99
|
66,16
|
72,66
|
Đất phi nông nghiệp
|
%
|
8,03
|
9,23
|
11,02
|
Đất chưa sử dụng
|
%
|
23,98
|
24,61
|
16,32
|
(Nguồn: UBND huyện Vân Đồn)
Diện tích đất nông nghiệp của huyện Vân Đồn đã có sự gia tăng từ 67,99% lên 72,66%. Đồng thời, tỷ lệ đất phi nông nghiệp cũng đã có sự tăng từ 8,03% lên 11,02%. Trong khi đó, đất chưa sử dụng đã giảm từ 23,98% xuống còn 16,32%.
Xu hướng chuyển mục đích sử dụng đất ở các đô thị là giảm diện tích đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng và tăng diện tích đất phi nông nghiệp. Tăng trưởng diện tích đất phi nông nghiệp chủ yếu do mở rộng đất đô thị, đất khu công nghiệp và hoạt động xây dựng [8]. Tuy nhiên, ở huyện Vân Đồn do tiềm năng đất chưa sử dụng còn lớn, một diện tích lớn đất chưa sử dụng đã được đưa vào sử dụng cho mục đích phát triển nông lâm nghiệp nên tỷ lệ của nhóm đất nông nghiệp tăng lên từ 2018 đến 2021. Mặt khác, trong quá trình phát triển đất nông nghiệp vẫn bị chuyển sang các mục đích phi nông nghiệp đồng thời với việc đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng cho các mục đích phi nông nghiệp làm cho tỷ lệ nhóm đất phi nông nghiệp tăng dần.
3.3. Thực tiễn tình hình lao động, việc làm, thu nhập và sử dụng đất nông nghiệp của người dân trên địa bàn huyện Vân Đồn
Tình hình nhân khẩu, việc làm và thu nhập của các hộ ở hai thời điểm (2015 và 2021) được thể hiện ở Bảng 3.
Trong giai đoạn 2015 – 2021, các chỉ tiêu đều có sự biến động ở cả 2 vùng. Các chỉ tiêu biến động tăng bao gồm số khẩu, lao động phi nông nghiệp, tổng thu nhập và thu nhập bình quân đầu người. Chỉ có chỉ tiêu lao động nông nghiệp có biến động giảm.
Bảng 3. Tình hình nhân khẩu, việc làm và thu nhập của các hộ trong giai đoạn nghiên cứu (n=60)
Chỉ tiêu
|
Đơn vị tính
|
Vùng 1
|
Vùng 2
|
|||||
2015
|
|
2021
|
2015
|
|
2021
|
|||
Trung bình (thấp nhất – cao nhất)
|
||||||||
Số khẩu
|
Người
|
4,4 (3-6)
|
|
4,6 (3-6)
|
4,1 (3-6)
|
**
|
4,6 (3-7)
|
|
Lao động nông nghiệp
|
Người
|
1,7 (0-4)
|
**
|
0,9 (0-4)
|
2,6 (1-5)
|
**
|
1,7 (0-5)
|
|
Lao động phi nông nghiệp
|
Người
|
2,0 (0-3)
|
**
|
3,0 (0-5)
|
0,4 (0-2)
|
**
|
1,5 (0-3)
|
|
Thu nhập của hộ
|
Triệu đ/năm
|
245,4 (84-336)
|
**
|
309,4 (84-420)
|
160,7 (90-252)
|
**
|
245,4 (108-468)
|
|
Thu nhập bình quân đầu người
|
Triệu đ/người/năm
|
56,2 (28-84)
|
**
|
67,6 (28-93)
|
39,8 (23-56)
|
**
|
54,5 (27-124)
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
(**: khác biệt có ý nghĩa thống kê với khoảng tin cậy 99%; nguồn: tổng hợp từ số liệu điều tra)
Kết quả phân tích so sánh thống kê Independent-samples T-test các chỉ tiêu giữa năm 2015 và năm 2021 cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,01) ở hầu hết các chỉ tiêu, ngoại trừ chỉ tiêu số khẩu của vùng 1.
Sự thay đổi không lớn về số khẩu trong giai đoạn nghiên cứu (từ 4,4 lên 4,6 người/hộ) đã dẫn đến không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê của chỉ tiêu này ở vùng 1, trong khi đó chỉ tiêu này có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với giá trị trung bình thay đổi từ 4,1 người/hộ vào năm 2015 lên 4,6 người/hộ vào năm 2021, số khẩu/hộ tối đa của vùng cũng cao hơn khi có một số hộ có tới 7 nhân khẩu vào năm 2021.
Chỉ tiêu lao động nông nghiệp có biến động giảm ở cả 2 vùng (từ 1,7 về 0,9 lao động ở vùng 1 và 2,6 về 1,7 lao động ở vùng 2). Ngược lại, chỉ tiêu lao động phi nông nghiệp có biến động tăng mạnh ở cả 2 vùng. Sự gia tăng số lượng lao động phi nông nghiệp đặc biệt lớn ở vùng 2 với mức tăng gần 4 lần (0,4 lao động năm 2015 lên 1,5 lao động năm 2021).
Thu nhập của các hộ ở cả 2 vùng đều tăng trong giai đoạn 2015 - 2021. Tổng thu nhập trung bình và thu nhập đầu người trung bình của các hộ ở vùng 1 cao hơn so với vùng 2 mặc dù khoảng dao động của các chỉ tiêu này ở vùng 2 lớn hơn so với vùng 1.
Mức độ biến động các chỉ tiêu giữa 2 vùng nghiên cứu có sự chênh lệch, trong đó vùng 2 có sự biến động mạnh hơn. Hình 1 và hình 2 biểu thị kết quả so sánh mức độ biến động của 3 chỉ tiêu (diện tích đất nông nghiệp, tổng thu nhập của hộ và thu nhập bình quân đầu người).
Hình 1. Tình hình biến động diện tích đất nông nghiệp của hộ
|
Các hộ ở vùng 2 có mức giảm diện tích đất nông nghiệp lớn hơn so với vùng 1 về tổng diện tích, giá trị trung bình, và giá trị lớn nhất. Tổng diện tích đất nông nghiệp bị mất của các hộ ở vùng 2 là 50.390 m2 trong khi của vùng 1 là 41.620 m2, Hộ dân mất đất nhiều nhất của vùng 2 là 6000 m2 trong khi của vùng 1 là 2.131 m2, giá trị trung bình diện tích đất nông nghiệp của vùng 2 cũng lớn hơn vùng 1. Trong giai đoạn nghiên cứu (2015-2021), huyện Vân Đồn đã có sự phát triển rất mạnh về kinh tế - xã hội và đô thị hóa. Trước năm 2015, đời sống người dân các xã thuộc vùng 2 chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp với lợi thế diện tích đất nông nghiệp lớn. Để đáp ứng nhu cầu đất đai cho phát triển cơ sở hạ tầng trong quá trình phát triển, một diện tích lớn đất nông nghiệp của các hộ đã được Nhà nước thu hồi. Trong khí đó, quá trình đô thị hóa ở vùng 1 đã diễn ra trước đó, mật độ dân số cao hơn và đất nông nghiệp của các hộ cũng ít hơn. Do đó, diện tích đất nông nghiệp bị mất của hộ cũng ít hơn so với các hộ thuộc vùng 2.
Các hộ dân ở vùng 1 có sự thích nghi sớm hơn với sự phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa được thể hiện ở chỉ tiêu lao động nông nghiệp thấp hơn nhiều và lao động phi nông nghiệp cao hơn so với vùng 2 ở cả năm 2015 và năm 2021 (Bảng 3). Đồng thời với sự biến động về ngành nghề là sự biến động về thu nhập (Hình 2). Giữa 2 vùng nghiên cứu, vùng 2 có mức độ biến động về thu nhập lớn hơn vùng 1. Đặc biệt là chỉ tiêu tổng thu nhập/năm của hộ có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05).
Hình 2. Biến động thu nhập của các hộ ở 2 vùng nghiên cứu
(a) Giá trị trung bình tổng thu nhập của hộ/năm
(b) Giá trị trung bình tổng thu nhập đầu người/năm
*: Khác biệt có ý nghĩa thống kê với khoảng tin cậy 95%
|
Tuy nhiên, nhóm tác giả không tìm thấy bất kỳ mối tương quan có ý nghĩa thống kê nào giữa các chỉ tiêu về sự biến động được so sánh giữa 2 vùng ở trên. Điều này cho thấy sự chuyển dịch về nghề nghiệp và gia tăng thu nhập trong quá trình đô thị hóa ở huyện Vân Đồn nói chung và các đối tượng nghiên cứu thuộc 2 vùng nói riêng không thực sự phụ thuộc vào việc đất nông nghiệp bị thu hồi. Bên cạnh đó, trong các hộ nghiên cứu có một số hộ không bị thu hồi đất nông nghiệp nhưng vẫn chủ động chuyển đổi nghề nghiệp để gia tăng thu nhập đáp ứng nhu cầu cuộc sống.
Mặc dù quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa đã làm gia tăng thu nhập của phần lớn người dân nhưng có nhiều ý kiến hộ dân được phỏng vấn cho rằng thu nhập từ các ngành nghề phi nông nghiệp thiếu tính ổn định thậm chí một số lĩnh vực kinh doanh có tính rủi ro cao đặc biệt là đối với các hộ chưa có nhiều kinh nghiệm. Điển hình là một số hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống và lưu trú tại các xã đảo (vùng 2) đã thua lỗ nặng thậm chí phá sản trong các năm đại dịch Covid-19 xảy ra. Cùng với đó, sự biến động thu nhập giữa các hộ cũng có sự chênh lệch lớn, các hộ có kiến thức, kinh nghiệm và mạnh dạn đầu tư làm chủ sẽ có thu nhập cao, ngược lại các hộ thiếu kiến thức, ít kinh nghiệm và ngại đầu tư sẽ có mức tăng thu nhập thấp hơn nhiều. Đặc biệt là, một số hộ có mức thu nhập giảm do không có nghề nghiệp sau khi đất nông nghiệp bị thu hồi.
Mặt khác, trong nghiên cứu này còn xác định được một số hộ có động thái bỏ hoang đất nông nghiệp do toàn bộ lao động của hộ hoạt động trong các ngành nghề phi nông nghiệp (Hình 3).
Hình 3. Tổng diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang của các hộ nghiên cứu
|
Tổng diện tích đất nông nghiệp bị các hộ bỏ hoang ở 2 vùng không chênh lệch nhiều. Tuy nhiên, đây cũng là dấu hiệu cần lưu ý trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và quản lý sử dụng đất. Bỏ hoang đất là một hệ lụy đáng chú ý của quá trình đô thị hóa, đã trở thành một hiện tượng phổ biến tại nhiều đô thị không chỉ ở những địa bàn có tốc độ phát triển đô thị mạnh mẽ mà còn ở các vùng ven đô và các vùng được quy hoạch phát triển đô thị. Hiện tượng này không chỉ dẫn đến sự phân mảnh không gian đô thị mà còn gây ra một loạt vấn đề kinh tế, xã hội, và môi trường [9].
Nghiên cứu của Nguyễn Minh Tú (2022) [10] đã chỉ ra một số nguyên nhân của hiện tượng bỏ hoang đất nông nghiệp, đó là: (1) sản xuất nông nghiệp đem lại thu nhập quá thấp cho nông dân; (2) kinh tế thị trường hình thành và phát triển đã có những tác động tích cực đến nông nghiệp, nông thôn, tạo ra nhiều sự lựa chọn về nghề nghiệp, việc làm, gia tăng thu nhập cho nông dân; (3) tổ chức sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam vẫn rất lạc hậu, chủ yếu là sản xuất nhỏ, manh mún; (4) Một số cơ chế, chính sách và khung pháp luật còn bất cập đặc biệt là những ách tắc trên thị trường đất đai – nhân tố sản xuất đặc biệt quan trọng. Đây cũng là các nguyên nhân gây ra tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Vân Đồn nói chung và của các hộ được điều tra nói riêng.
3.4. Đề xuất giải pháp
Xuất phát từ thực trạng sử dụng đất nông nghiệp, việc làm và thu nhập của người dân trên địa bàn huyện Vân Đồn. Nghiên cứu này đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, ổn định thu nhập và cải thiện đời sống người dân như sau:
- Đô thị hóa làm thay đổi cơ cấu sử dụng đất theo hướng giảm diện tích đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng và tăng diện tích đất phi nông nghiệp. Hàng năm, cần có dự báo và thống kê chính xác diện tích đất đô thị sử dụng vào các mục đích khác nhau, từ đó có các giải pháp sử dụng đất hợp lí, tiết kiệm. Bên cạnh đó, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng phải đảm bảo thống nhất, đồng bộ, trong đó quy hoạch đô thị được xây dựng căn cứ trên hiện trạng và yêu cầu phát triển của địa phương, quy hoạch sử dụng đất xây dựng dựa trên cơ sở quy hoạch đô thị.
- Đối với việc thu hồi đất nông nghiệp, nên thực hiện thu hồi đất theo từng khu vực và giữ lại diện tích đất màu mỡ để phát triển nông nghiệp đủ về diện tích, thuận lợi giao thông, tưới tiêu, áp dụng cơ giới, không nên thu hồi đất xen kẽ làm ảnh hưởng đến sử dụng đất nông nghiệp như diện tích đất manh mún, thiếu hệ thống tưới tiêu hay môi trường đất bị ô nhiễm.
- Khuyến khích đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo hướng đô thị sinh thái, nông nghiệp xanh thông qua các chính sách miễn giảm thuế thu nhập từ sử dụng đất, hỗ trợ máy móc, thiết bị, cây con giống, đồng thời thực hiện các biện pháp vệ đất đai để tránh ô nhiễm do tác động của quá trình sản xuất công nghiệp, rác thải sinh hoạt.
- Điều chỉnh cơ chế, chính sách và pháp luật về đất đai, tạo điều kiện cho việc hình thành một thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp hoàn chỉnh và khuyến khích nông dân tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.
4. Kết luận
Cơ cấu kinh tế của huyện Vân Đồn đã chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nhóm ngành nông nghiệp và tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ. Cùng với đó, tỷ lệ nhóm đất phi nông nghiệp trong cơ cấu sử dụng đất cũng gia tăng trong giai đoạn nghiên cứu, diện tích đất chưa sử dụng được đưa vào sử dụng tăng qua các năm.
Quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa đã có tác động đến tình hình sử dụng đất nông nghiệp, việc làm và thu nhập của các hộ dân. Mặc dù người diện tích đất nông nghiệp của người dân bị giảm đáng kể nhưng thu nhập có sự gia tăng nhờ kịp thời chuyển đổi nghề nghiệp và thích ứng với đô thị hóa. Quá trình đô thị hóa cũng bộc lộ một số vấn đề đó là đất nông nghiệp bị bỏ hoang, thu nhập không ổn định và gia tăng khoảng cách giàu nghèo cũng như rủi ro trong sản xuất, kinh doanh
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-
Zagorski, P. W. (2012). Comparative politics: Continuity and breakdown in the contemporary world. Routledge, London.
-
Friedmann, J. (2003). China’s Urbanization. International Journal of Urban and Regional Research. 27(3): 745-758.
-
Yao, X.; Wang, Z; Wang, H. (2015). Impact of Urbanization and Land-Use Change on Surface Climate in Middle and Lower Reaches of the Yangtze River, 1988-2008. Advances in Meteorology. 2015: 395094. https://doi.org/10.1155/2015/395094.
-
Phuong, D. T. (2005). Vietnamese urban. Construction publishing house, Ha Noi.
-
Chen, J. (2007). Rapid urbanization in China: A real challenge to soil protection and food security. Catena. 69: 1-15.
-
Yen, N. T. H. (2017). Urbanization and land use Urbanization and urban land use in Bac Ninh province in the period of 2005 - 2015. PhD dissertation, Hanoi University of Education.
-
Phuong, N. T. H. (2017). The impacts of the urbanization process on the shifting of land use structure in Binh Duong province, the period 2000 - 2015. HCMUE J. Sci. 14(5): 120-125.
-
Yen, T. T; Long, N. B.; Hue, N. T.; Nam, P. P.; Huyen, P. T. T. (2023). Overview of the impact of urbanization on the land use and management. Journal of Forestry Science and Technology. 2: 165-174.
-
Chi, V. D. (2017). Urban agriculture - Theory and applicability in the use of abandoned land in urban areas. Journal of Social Science of Ho Chi Minh city. 12 (232): 16-28.
-
Tu, N. M. (2022). Abandoned agricultural land: problem identification. Journal of Business and Technology. 18: 79-86.
Hoang Huu Chien