1. Một số khái niệm
- Du lịch cộng đồng: Du lịch cộng đồng là một loại hình du lịch do chính cộng đồng người dân phối hợp tổ chức, quản lý và làm chủ để đem lại lợi ích kinh tế và bảo vệ được môi trường chung thông qua việc giới thiệu với du khách các nét đặc trưng của địa phương (phong cảnh,văn hoá…). Du lịch cộng đồng dựa trên mong muốn của khách du lịch đi để tìm hiểu thêm về cuộc sống hàng ngày của người dân từ các nền văn hóa khác nhau.
Những hình thức của du lịch cộng đồng: Các loại hình du lịch sau đây phù hợp với Du lịch cộng đồng bởi chúng được sở hữu và quản lý bởi cộng đồng: Du lịch sinh thái, Du lịch nông nghiệp, Du lịch làng, Du lịch dân tộc hay bản địa, và du lịch văn hóa. Ngoài ra, việc thúc đẩy nghệ thuật và hàng thủ công địa phương có thể là một thành phần quan trọng trong các dự án Du lịch cộng đồng và trong các hình thức chủ đạo của ngành du lịch.
- Du lịch sinh thái: du lịch sinh thái là một hình thức du lịch diễn ra trong khu vực tự nhiên (đặc biệt là trong các khu vực cần được bảo vệ và môi trường xung quanh nó) và kết hợp tìm hiểu bản sắc văn hóa - xã hội của địa phương có sự quan tâm đến vấn đề môi trường. Nó thúc đẩy một hệ sinh thái bền vững thông qua một quá trình quản lý môi trường có sự tham gia của tất cả các bên liên quan.
- Du lịch văn hóa: du lịch văn hóa là một trong những thành phần quan trọng nhất của du lịch dựa vào cộng đồng từ vì văn hóa, lịch sử, khảo cổ học, là yếu tố thu hút khách chủ yếu của cộng đồng địa phương. Ví dụ về du lịch dựa vào văn hóa bao gồm khám phá các di tích khảo cổ học, địa điểm tôn giáo nổi tiếng, trải nghiệm cuộc sống địa phương tại một ngôi làng dân tộc thiểu số.
- Du lịch nông thôn: Khách du lịch chia sẻ các hoạt động trong cuộc sống thôn bản, và các làng nông thôn thu được lợi ích kinh tế từ các hoạt động du lịch. Dân làng cung cấp các dịch vụ ăn ở, nhà trọ cho khách nghỉ ngơi qua đêm. Nhà trọ chính chính là các điểm kinh doanh du lịch, trong đó du khách ở lại qua đêm trong những ngôi nhà làng, cùng với một gia đình.
- Du lịch nông nghiệp: Du lịch nông nghiệp là một loại hình du lịch tạo ra sản phẩm du lịch phục vụ du khách chủ yếu dựa vào nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp.
2. Công việc cần chuẩn bị của các chủ trang trại, các hộ dân muốn tham gia vào du lịch nông nghiệp
Thứ nhất: Đánh giá các điều kiện để làm du lịch nông nghiệp
Để đánh giá một trang trại sản xuất hay một khu vực có thể phát triển được Du lịch nông nghiệp hay không? Trước hết cần thu thập các thông tin thứ cấp liên quan đến tình hình sản xuất Nông nghiệp của vùng, tại trang trại đó xem cây trồng chủ yếu là gì? Chăn nuôi là gì? Một trang trại có thể phát triển được du lịch thăm quan khu trồng rau, trồng chè hay một lại đặc sản nông sản nào đó? Các số liệu thu thập nên theo trình tự sau:
-
Tài nguyên du lịch của vùng là gì? Các tài nguyên chung: di tích lịch sử, thác nước, hồ, suối…..
-
Loại cây trồng, đặc sản chính của trang trại hoặc khu vực là gì?
-
Phương tiện và giao thông đi lại
-
Thông tin/dịch vụ cho du khách trong khu vực và khu vực lân cận
-
Loại hình du lịch nào đã có trong khu vực
-
Định hướng quy hoạch phát triển du lịch hiện tại của địa phương
Khi các yếu tố chung đáp ứng được những điều kiện cơ bản để có thể phát triển được du lịch nông nghiệp cần tiến hành điều tra đánh giá trực tiếp tại thực địa. Các đánh giá này do chủ trang trại hoặc người định phát triển du lịch nông nghiệp của khu đó nhờ các chuyên gia có chuyên môn đánh giá giúp. Dựa trên các yếu như tính hấp dẫn, vị trí, sức chứa du lịch…, các chuyên gia sẽ đánh giá mô hình trên cơ sở phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức. Trên cơ sở đánh giá điều kiện thực tế của mô hình, hình thức canh tác, khả năng liên kết với các khu vực bên ngoài, các khu du lịch lân cận. Các chuyên gia sẽ đưa ra nhưng lợi thế cũng như tiềm năng mà mô hình hướng tới khi phát triển du lịch nông nghiệp và quyết định xem có nên phát triển du lịch tại khu vực đã đánh giá hay không.
Thứ hai: Người dân trong trang trại nông nghiệp phải tham gia làm du lịch
Yếu tố quan trọng tạo nên thành công của du lịch nông nghiệp được các chuyên gia với nhiều năm kinh nghiệm kinh doanh trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp tổng kết đó chính là người dân. Kinh nghiệm làm nông nghiệp và các mối quan hệ của người dân chính là một trong các yếu tố hấp dẫn du khách. Nếu bạn thực sự quan tâm đến việc điều hành một doanh nghiệp nông nghiệp, nhưng bạn không phải là thành viên của trang trại, cần phải thuê một người là thành viên gia đình hoặc nhân viên rất am hiểu về các công việc của trang trại, được ủy quyền để điều phối khía cạnh tương tác của doanh nghiệp.
Khi phát triển một mô hình kinh doanh du lịch nông nghiệp, trước hết phải có sự đồng thuận tham gia của các thành viên trong gia đình, trong nhóm các chủ hộ nông dân hoặc các thành viên của doanh nghiệp. Các thành viên trong gia đình hoặc các gia đình cần họp và thảo luận cởi mở về các vấn đề, được khuyến khích chia sẻ thái độ và những mong đợi của họ đối với Du lịch nông nghiệp. Các thành viên cần cần phải xác định: mong muốn gì từ Du lịch nông nghiệp, mục tiêu phát triển cần hướng tới.
Thứ ba: Xác định sản phẩm và khách hàng mục tiêu
Khi một trang trại nông nghiệp muốn trở thành doanh nghiệp du lịch cần phải xác định được sản phẩm của mình gì? Khách hàng không chỉ quan tâm đến các sản phẩm hoặc dịch vụ có sẵn; họ quan tâm đến toàn bộ gói sản phẩm và dịch vụ kết hợp bao gồm các dịch vụ miễn phí và tính phí. Mục tiêu phải là định vị duy nhất các mục (sản phẩm + dịch vụ đặc biệt + không khí) trong tâm trí khách hàng. Do đó, chọn thị trường hoặc nhóm khách hàng mục tiêu mà trang trại muốn thu hút và xác định những gì trang trại có thể cung cấp cho khách du lịch. Khác biệt sản phẩm của trang trại với người khác sẽ làm cho nó hấp dẫn hơn đối với khách du lịch.
Thứ tư: Xác định khả năng tài chính
Tự đánh giá khả năng tài chính của từng thành viên trong gia đình hoặc nhóm là những việc quan trọng để bắt đầu làm du lịch. Những đánh giá này đặc biệt hữu ích để xác định và ưu tiên các mục tiêu kinh doanh, cũng như các nguồn lực và kỹ năng hiện có của doanh nghiệp, các nhóm hộ, thành viên gia đình và các nhân viên khác. Khi mới bắt đầu bất kỳ mô hình kinh doanh nào cũng có thể gặp những rủi ro từ quản lý tài chính. Trước khi đầu tư tiền bạc, thời gian và năng lượng vào một mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch, nên hoàn thành các đánh giá cá nhân, thị trường, tính khả thi của dự án và đánh giá tài chính.
Thứ năm: Viết kế hoạch kinh doanh
Khi trang trại đã đủ điều kiện để có thể phát triển du lịch (thông qua các bước thập số liệu, điều tra thực địa, đánh giá của các chuyên gia, thống nhất của các thành viên trong nhóm hoặc gia đình) thì bước tiếp theo cần phải lập một kế hoạch kinh doanh. Kế hoạch kinh doanh không cần dài, chỉ từ 10-50 trang nhưng thực sự là cần thiết và bắt buộc phải có. Kế hoạch kinh doanh được sử dụng để người chủ trang trại có một hướng đi và cũng dùng nó để quản lý trực tiếp, cũng như thu hút các nhà đầu tư, có được nguồn tài chính từ các nguồn và tuyển dụng các đối tác hoặc nhân viên chất lượng. Kế hoạch kinh doanh bao gồm nhiều mục như: Đặt tên cho trang trại, Sứ mệnh hoặc tuyên bố Tầm nhìn, các mục tiêu Kế hoạch tiếp thị, Tổ chức và Quản lý, Kế hoạch tài chính, Kế hoạch dự phòng. Những phần chi tiết của kế hoạch kinh doanh sẽ trình bày chi tiết trong cuốn tài liệu hướng dẫn.
Thứ sáu: Các loại giấy phép
Khi kinh doanh du lịch cần phải nắm rõ luật pháp, các chủ trang trại cần có các giấy phép kinh doanh, Kế hoạch phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký tạm trú, tạm vắng.
3. Vai trò của chính quyền địa phương
- Tham gia đóng góp ý kiến cho các dự án quy hoạch
Trong phát triển du lịch nông nghiệp, ý kiến của tập thể lãnh đạo địa phương rất quan trọng, vì phát triển du lịch nông nghiệp không chỉ là quy hoạch một khu cây trồng cho năng suất cao, mà còn gắn với giao thông, trải nghiệm của du khách, an toàn của sản phẩm. Do vậy, sau khi có quy hoạch tổng thể cần tổ chức quy hoạch chung các cụm, khu, điểm có tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và thông tin để hỗ trợ các nhà đầu tư. Việc quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch thì Nhà nước chỉ định hướng các tiêu chí, loại hình theo quy hoạch chung, phần còn lại để nhà đầu tư tự quy hoạch; thực hiện việc này thì nhà đầu tư sẽ quy hoạch theo ý tưởng đầu tư và phù hợp với loại hình kinh doanh của họ, đồng thời Nhà nước sẽ không phải tốn kinh phí để quy hoạch chi tiết. Khi thực hiện quy hoạch cán bộ địa phương cần có ý kiến đóng góp vào để việc thực hiện quy hoạch được đúng với thực tế. Cán bộ địa phương là người am hiểu nhất của địa phương về địa hình, tập quán canh tác của địa phương nên thăm vấn ý kiến của cán bộ địa phương trong công tác đánh giá tiềm năng, quy hoạch các điểm du lịch nông nghiệp là rất quan trọng.
- Đa dạng hoá các sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ: Các nhà đầu tư, các chủ trang trại, các tổ hợp tác khi muốn phát triển du lịchcần thống nhất đưa ra các sản phẩm chủ yếu của địa phương để phục vụ du khách. Bên cạnh việc cung cấp các sản phẩm điểm đến (nhà nghỉ, các dịch vụ giải trí...), địa phương cần xây dựng thêm các sản phẩm nông nghiệp (dạng sản phẩm OCOP) để đa dạng các mặt hàng giới thiệu cho du khách. Chất lượng dịch vụ cũng như các sản phẩm khác phải được đảm bảo và duy trì
-
Tham gia vào chiến lược quảng cáo chung
Hiện nay, khi truyền thông kỹ thuật số đa phương tiện được phát triển dựa trên nền tảng công nghệ của cách mạng 4.0, việc tiếp cận thông tin dễ dàng và phổ biến. Đặc biệt, thông qua các ứng dụng mạng xã hội, rất nhiều các cá nhân và tổ chức đã thành công trong việc quảng bá các sản phẩm và dịch vụ cung ứng nông nghiệp trong đó có cả Du lịch. Chính vì vậy, muốn Du lịch phát triển, hơn bao giờ hết chính quyền địa phương cần tham gia tích cực vào vai trò này. Tạo điều kiện cho tổ chức các cuộc thi, trưng bày các sản phẩm nông nghiệp, lập các video giới thiệu các địa điểm du lịch đẹp của địa phương, khuyến khích các trường phổ thông, tham gia tham quan trải nghiệm tại chính địa phương mình. Tham gia, đóng góp ý kiến trong các hội thảo diễn đàn du lịch. Tạo kênh thông tin quảng cáo, có chiến dịch quảng cáo, maketing cho các sản phẩm của địa phương
uy động các nguồn lực
Chính quyền địa cần huy động được sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể trên địa bàn như y tế, đoàn thanh niên, lực lượng an ninh,... cùng tham gia hỗ trợ người dân để hoạt động du lịch thật sự phát huy hiệu quả. Thúc đẩy khuyến khích các hộ gia đình tự nguyện làm du lịch nông nghiệp, hỗ trợ các gia đình hoàn thiện các thủ tục pháp lý.
Kết hợp chặt chẽ với sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch nhằm huy động toàn diện các nguồn lực nhằm hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp, kết hợp các chương trình kết nối, đào tạo nguồn nhân lực Du lịch tại chỗ cho các địa phương.
4. Sai lầm hay mắc phải khi kinh doanh du lịch nông nghiệp
-
Thành lập một trang trại (mô hình) chỉ để thu hút khách du lịch
Nếu nghĩ rằng làm Du lịch nông nghiệp là thuê hay mua một mảnh đất rồi xây dựng nhà nghỉ, cảnh quan, trồng một ít cây nông nghiệp hoặc rau trên đó rồi thu hút khách đến là xong thì đó là sai lầm lớn. Du lịch nông nghiệp thành công khi chú trọng vào trải nghiệm của khách. Một số người có quỹ đất lớn nghĩ rằng việc đổ tiền vào xây dựng nhà đẹp thì chắc chắn khách du lịch sẽ đến trải nghiệm. Họ đầu tư vào việc san phẳng đất đai, xây dựng công trình kiên cố, trang bị những vật dụng đắt tiền hay đôi khi là mang những mẫu nhà ở dưới phố lên xây dựng rồi nghĩ là chắc chắn khách sẽ đến ở kín phòng. Nếu chỉ tập trung vào yếu tố nghỉ dưỡng mà bỏ qua yếu tố nông trại thì đã vô tình đánh mất đi bản sắc, linh hồn trang trại của mình. Và với thị trường du lịch ngày càng khó tính, một trang trại không có điểm khác biệt về trải nghiệm sẽ trở nên nhạt nhòa giữa những đối thủ luôn tìm cách đổi mới trong thế giới cạnh tranh đầy khốc liệt hiện nay.
-
Du lịch nông nghiệp là một xu hướng thu lợi nhanh
Một số người thấy gần đây xu hướng du lịch nông nghiệp đang phát triển nên nghĩ đây là hình thức đầu tư mang lại lợi nhuận nhanh chóng. Tuy nhiên, du lịch nông nghiệp không mang lại nguồn lợi nhanh chóng bởi vì bản chất Du lịch nông nghiệp được xây dựng trên nền tảng một trang trại canh tác nông sản, mà nông sản thì cần thời gian nhất định mới cho thu hoạch. Vậy nên đừng nghĩ rằng sau ba hoặc sáu tháng đã mang lại thu nhập đủ để chi trả cho chi phí đầu tư, nhân sự, marketing,... hãy lưu ý rằng việc tính thu nhập từ phần du lịch, dịch vụ cũng chỉ nên rơi vào 30-70% mà thôi. Cần phải trừ đi những ngày có thời tiết xấu, những ngày có dịch bệnh hay những thay đổi bất chợt trong kế hoạch của khách dù họ đã đặt trước.
-
Du lịch nông nghiệp không cần có thiết kế
Thiết kế ban đầu vô cùng quan trọng với sự phát triển bền vững của trang trại nông nghiệp gắn với du lịch. Có một thiết kế tốt thì sau này không cần dời cây, dời nhà, dời đường, không cần lo về việc thiếu nước canh tác hay những rủi ro lớn hơn như vỡ đập tràn, xói mòn đất, mất cân bằng sinh thái…
Thực ra, thiết kế cũng không quá khó, chỉ cần bạn ở trên khu đất của mình, trăn trở về sự phát triển của nó, quan sát thiên nhiên, thảm thực vật, sự phát triển của vi sinh vật,... để đánh giá nội tại của đất trang trại, từ đó thuận theo tự nhiên. Thuận theo tự nhiên là cách duy nhất để làm cho khu đất của mình phát triển bền vững.
-
Du lịch nông nghiệp dễ làm
Nhiều người nghĩ du lịch nông nghiệp là một mô hình kinh doanh đơn giản. Nhưng hãy cẩn trọng, bởi bản chất là canh tác nông nghiệp cộng với du lịch. Canh tác nông nghiệp không đơn giản? Vì canh tác nông nghiệp luôn phải chịu vô vàn những tác động từ bên ngoài vào cây trồng, từ thiên nhiên đến đất đai rồi cả yếu tố giống cây trồng. Bên cạnh đó, phần nghỉ dưỡng thuộc về lĩnh vực vận hành trải nghiệm du lịch, nó không hoạt động giống như một khách sạn, nó cũng không giống cách một resort năm sao vận hành. Vì khác biệt lớn nhất của loại hình này là vận hành trải nghiệm nên bạn phải có kịch bản trải nghiệm cho khách hàng nhưng vẫn không được thiếu những tiện nghi cơ bản của một khu nghỉ dưỡng.
-
Du lịch nông nghiệp không cần chiến lược
Chiến lược không phải một thứ gì đó quá ghê gớm chỉ dành cho các tập đoàn và công ty lớn. Hãy hiểu một cách đơn giản rằng chiến lược chính là điểm khác biệt duy nhất mà chỉ trang trại của bạn mới tạo ra trải nghiệm độc nhất cho du khách mà cho dù “ông hàng xóm” của bạn cũng không thể bắt chước được. Còn nếu thấy chiến lược quá phức tạp thì hãy hiểu chiến lược chỉ đơn giản là một bản kế hoạch để phát triển cây trồng và vận hành trải nghiệm farmstay.
-
Sao chép ý tưởng của một nơi khác
Việc học hỏi ý tưởng từ những nơi khác là một điều cần thiết để hiểu rõ Du lịch nông nghiệp là gì, từ đó thai nghén ý tưởng của riêng mình. Tuy nhiên, học hỏi hoàn toàn khác với việc bê nguyên xi. Vì mỗi khu đất, cây trồng, khí hậu cùng với năng lực phát triển và vận hành farmstay của mỗi người là khác nhau. Để việc học hỏi ý tưởng không gọi là sao chép thì trước khi bạn ứng dụng một điều gì đó vào farmstay của mình thì hãy xem xét những đặc điểm tự nhiên, khí hậu đặc trưng tại khu đất từ đó chọn lọc và thay đổi những ý tưởng cho phù hợp với khu đất của mình.
-
Thu nhập từ phần nông nghiệp vô cùng ít
Những người mới làm farmstay thường nghĩ rằng làm nông nghiệp không thu lợi được bao nhiêu cả, bởi trong tư tưởng của người dân Việt Nam, nghề nông là một nghề vất vả, khó nhọc, nông sản bán được giá thấp. Nhưng canh tác nông nghiệp thuận tự nhiên, nông nghiệp sinh thái hay nông nghiệp vườn rừng như một số người hay gọi,... sau một khoản thời gian sẽ đem lại những giá trị kinh tế to lớn. Đầu tiên, nông nghiệp thuận tự nhiên mang lại sức khỏe cho người nông dân bởi trong quá trình canh tác họ không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tiếp theo, canh tác thuận tự nhiên tạo nên một hệ sinh thái gần như tự vận hành, mọi yếu tố đất đai, vi sinh vật, thảm thực vật,... tương tác, bổ sung cho nhau thành một thể thống nhất, tạo ra những sản phẩm chất lượng.
Để Du lịch nông nghiệp phát triển thực sự khó khăn, không chỉ có sự nỗ lực của chính những người nông dân, những chủ trang trại mà còn cần sự đồng tâm, giúp sức của các cấp chính quyền. Cùng nỗ lực làm việc, chia sẻ phấn đấu vì một mục đích chung nhất định sẽ mang tới thành công.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-
Vũ Thị Thanh Thủy và cộng sự (2021), Tài liệu hướng dẫn phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch nông nghiệp, NXB Đại học Thái Nguyên năm 2021.
-
Phạm Thanh Tùng (2020), Những tư duy khiến bạn chắc chắn thất bại khi xây dựng Farmstay.
-
Angela Schaneman (2016), A Handbook for Developing an Agri-TourismlEco-Tourism Business, Nebraska Department of Economic Development Division of Travel and Tourism.
Một góc Hoàng Nông farm
Một điểm tham quan khu sản xuất chè khi đến Hoàng Nông farm
Thăm quan mô hình tại Phượng Hoàng Farm
Mô hình tại xóm Khuôn Tát- Phú Đình – Định Hóa
Thái Nguyên, 2021
TS. Vũ Thị Thanh Thủy- Đại học Nông lâm Thái Nguyên