Hòa trong không khí “người người chữa lành, nhà nhà chữa lành” vào dịp nghỉ hè, trong ba ngày 19, 20 và 21 tháng 6 năm 2024, tập thể cán bộ - giảng viên khoa Quản lý tài nguyên đã có chuyến đi đầy ý nghĩa đến quần thể khu du lịch và nghiên cứu Cát bà – Đồ Sơn, TP Hải Phòng.
4h00 sáng 19/6/2024, đoàn xuất phát từ trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Với tính thần “cây nhà lá vườn”, đoàn đã tin tưởng giao nhiệm vụ hướng dẫn toàn bộ chuyến tham quan trải nghiệm cho thấy giáo – ThS. Nguyễn Đình Thi - Hướng dẫn viên du lịch “không tuổi” nhưng đầy kinh nghiệm về Tự nhiên – Văn hóa – Lịch sử của các điểm đến cũng như những cung đường đoàn đi qua.
Trải nghiệm đầu tiên của chúng tôi là tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và đường vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện, đường cao tốc được cho là hiện đại nhất Việt Nam và công trình cầu đường vượt biển dài nhất Việt Nam. Vị trí, vai trò và đóng góp của những công trình giao thông này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước đã được truyền tải một cách sinh động qua lời dẫn của hướng dẫn viên (HDV).
Điểm check-in đầu tiên là cung đường xuyên đảo Cát Bà |
Sau hơn 5 tiếng di chuyển (bao gồm cả thời gian chờ phà khoảng hơn 1 tiếng), chúng tôi đã đến quần đảo Cát Bà. Cảm nhận đầu tiên đối với chúng tôi là sự yên bình và trong lành với những hòn đảo (có thể là ngọn núi) nhô lên trên mặt nước biển trong xanh cùng với cung đường dưới chân núi chạy dọc theo bờ biển.
Đến trung tâm thị trấn Cát Bà, đoàn chúng tôi được tìm hiểu về lịch sử hình thành cũng như tên gọi của đảo Cát Bà (trước đây là đảo Các Bà), những nét độc đáo trong Vườn quốc gia Cát Bà và những điểm tham quan, vui chơi, giải trí tại nơi này (Vịnh Lan Hạ, Hang Quân Y và các bãi tắm).
Thị trấn Cát Bà và Vịnh Lan Hạ |
Sau 1 ngày trải nghiệm ở đảo Cát Bà, chúng tôi di chuyển đến quận Đồ Sơn, một trong những điểm du lịch biển lâu đời của Việt nam. Ở đây chúng tôi được nghe giới thiệu về tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trên biển và bến tàu Không Số (Bến K15 - Km số 0 của Đường Hồ Chí Minh trên biển). Những câu chuyện cảm động về các chiến sĩ giải phóng miền nam quên mình vì bình yên của tổ quốc đã lấy đi không ít nước mắt của du khách.
Những trải nghiệm kiến thức chuyên môn tại đảo Hòn Dấu |
Tiếp theo, sau khoảng 5 phút di chuyển bằng tàu thủy, chúng tôi đến được đảo Hòn Dấu, điểm trải nghiệm gắn với chuyên môn của phần lớn giảng viên khoa Quản lý Tài nguyên. Nơi đây có Mốc cao độ 0 quốc gia duy nhất, trạm hải văn và trạm khí tượng. Qua lời dẫn của HDV, chúng tôi được biết đường biểu diễn mực nước thuỷ triều Hòn Dấu hầu như có mặt trong nhiều sách hải dương học của thế giới, được lấy làm ví dụ kiểu nhật triều đều, điển hình của thế giới. Đây thực sự là những kiến thức chuyên môn thú vị và thực tế mà không phải ai cũng có cơ hội trải nghiệm.
Ngày cuối cùng của chuyến đi, chúng tôi ghé thăm Khu di tích Bạch Đằng Giang thuộc huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Vùng đất Tràng Kênh - Bạch Đằng, cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng18 km, là địa danh nổi tiếng với 3 trận thủy chiến chống quân xâm lược trong lịch sử nước ta. Những trận chiến đó gắn liền với tên tuổi các bậc hào kiệt: Vua Lê Đại Hành, Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đức Vương Ngô Quyền.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm dưới tượng 3 vị hào kiệt |
Khu du tích Bạch Đằng Giang còn được biết đến là một trong số ít địa điểm du lịch thực hiện thành công “3 không” bao gồm: không thương mại, không thu phí, không rác thải. Nhờ nguyên tắc “3 không” này, khu di tích đã mang đến một không gian văn hóa - lịch sử yên bình đúng nghĩa.
Kết thúc chuyến đi, chúng tôi trở lại khoa Quản lý tài nguyên với những tâm hồn được “chữa lành” và kiến thức thú vị về cả văn hóa - lịch sử và chuyên môn. Tất nhiên, Cát Bà – Đồ Sơn còn rất nhiều điều chúng tôi chưa được khám phá và trải nghiệm. Chắc chắn rằng, những trải nghiệm và kiến thức đó sẽ được truyền tải vào các bài giảng dành cho Sinh viên và học viên của khoa Quản lý tài nguyên.
Tin bài
Hoàng Hữu Chiến