Banner
Trang chủ TIN TỨC & SỰ KIỆN Tin trong ngày

KINH NGHIỆM XÂY DỰNG VÀ DUY TRÌ MÔ HÌNH NÔNG NGHIỆP SINH THÁI GẮN VỚI DU LỊCH TẠI TỈNH THÁI NGUYÊN

14/04/2023 16:13 - Xem: 3523
Dự án: “Phát triển mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch nông nghiệp tại Thái Nguyên” thuộc chương trình Khoa học và công nghệ góp phần xây dựng nông thôn mới 2018-2020 của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, dự án do Trường đại học Nông lâm thực hiện tại 3 địa điểm: Xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ, Xã Phú Thượng, Huyện Võ Nhai, Xã phú Đình huyện Định Hóa. Dự án kết thúc năm 2021, đến nay các mô hình vẫn duy trì hoạt động tốt, được nhân rộng tại cộng đồng. Một số kinh nghiệm xây dựng và duy trì mô hình được chia sẻ trong bài viết với mong muốn các mô hình nông nghiệp theo hướng sinh thái gắn với du lịch sẽ ngày càng được nhân rộng và phát triển, góp phần nâng cao thu nhập của người dân.
  1. Các địa chọn điểm xây dựng mô hình

           Mô hình tại Xóm Khuôn Tát- Xã Phú Đình, Huyện Định Hóa: Nằm cạnh Khu di tích ATK nổi tiếng trên toàn quốc, hàng năm thu hút khoảng 700.000-1.000.000 khách đến du lịch (số liệu thống kê 2018-2019). Hệ thống cây trồng trong mô hình bao gồm: chè, lúa, cây ăn quả, vườn hoa. Rừng được bảo tồn, có cảnh quan sinh thái đẹp. Người dân đồng thuận góp vốn tham gia, chính quyền xã, huyện rất ủng hộ.

             Mô hình tại Xóm Đoàn Thắng, huyện Đại Từ: Là khu vực sản xuất chè nổi tiếng, với cảnh quan các vườn chè rất đẹp, người dân có tập quán canh tác chè lâu đời, có sản phẩm chè đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, địa điểm xây dựng mô hình gần với suối Kẹm, khách du lịch ngoài việc nghỉ dưỡng, xem người dân chế biến chè còn có thể trải nghiệm suối Cửa Tử.

            Mô hình đặt tại Xóm mỏ Gà, xã Phú Thượng, Huyện Võ Nhai: Tại đây cây trồng chính là cây na, ổi và nhãn, gần  khu du lịch hang Phượng hoàng, khu vực có các đồi trồng na trên núi đá rất đẹp. Chính quyền  xã rất ủng hộ, khu vực xây dựng mô hình nằm trong khu phát triển du lịch của huyện.

  1. Quy mô của mô hình

                                               Bảng 1: Quy mô của các mô hình

STT

Địa điểm đặt mô hình

Diện tích khu dừng nghỉ (m2)

Sức chứa (khách du lịch)

Diện tích đất nông nghiệp của  mô hình

Số hộ dân tham gia (hộ)

Hoạt đông kinh doanh

1

Xóm Đoàn thắng- Hoàng Nông

300 m2 –  2 nhà sàn

50

8 ha

20

Sản xuất chè, kết hợp homstay, dẫn tuor 

2

Xóm Khuôn Tát- Phú Đình- Định Hóa

200 m2- 01 nhà sàn

500

10 ha

18

Sản xuất lúa, chè, cây ăn quả

Bán vé thăm quan, trải nghiệm

Kinh doanh ăn uống

3

Xóm Mỏ Gà- Phú Thượng – Võ Nhai

400 m2 - 02 nhà sàn

100

11 ha

28

Sản xuất cây ăn quả

Kinh doanh ăn uống, nghỉ dưỡng

 

    Các mô hình sau thời gian xây dựng đều đã đi vào hoạt động từ năm 2020 đến nay cho kết quả khá tốt thông qua đánh giá của người dân, khả năng duy trì và mở rộng.

4.2. Thuận lợi khi tiến hành xây dựng mô hình

4.2.1. Du lịch nông nghiệp nằm trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh

      Nông nghiệp gắn với du lịch  là chủ trương của tỉnh được đề xuất trong phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, cụ thể như sau: Củng cố và phát triển thị trường khách du lịch truyền thống. Tập trung khai thác có hiệu quả phân khúc thị trường khách du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch thể thao và khách thương mại gắn liền với đặc sản trà, văn hóa Trà Thái Nguyên.

4.2.2. Có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP đạt tiêu chuẩn từ 4 sao trở lên

Năm 2022 toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 173 sản phẩm được xếp hạng tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 5 sao (có 91 sản phẩm 3 sao, 80 sản phẩm 4 sao, 02 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia), trong đó chủ yếu là sản phẩm chè với 121 sản phẩm, chiếm 70% . Các sản phẩm OCOP góp phần thu hút khách du lịch đến địa phương để thăm quan, trải nghiệm và mua sắm.

4.2.3. Chương trình xây dựng nông thôn mới thành công

      Chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần chỉnh trang lại bộ mặt nông thôn, giao thông đi lại thuận lợi, góp phần phát triển du lịch. Kết quả xây dựng nông thôn mới của Thái Nguyên như sau. Năm 2022 toàn tỉnh có 4/9 huyện, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, tổng số xã đạt chuẩn NTM toàn tỉnh lên 119 xã. Tại các xã xây dựng mô hình, đều có đường giao thông đi lại thuận tiện, cảnh quan nông thôn được chỉnh trang góp phần hỗ trợ cho du lịch phát triển.

  4.2.4. Đồng thuận của các cấp chính quyền

        Dự án triển khai được sự đồng thuận, nhất trí cao của các cấp chính quyền, từ sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh thái Nguyên đến các huyện. Các phòng nông nghiệp tại các huyện đều có công văn chỉ đạo cho các xã mà mô hình triển khai, tạo mọi điều kiện giúp đỡ. Cán bộ phòng Nông nghiệp tham gia chỉ đạo trực tiếp, tham gia các lớp tập huấn mà dự án triển khai để nắm được tình hình. Các xã nơi đặt mô hình, đều cử cán bộ nông nghiệp trực tiếp tham gia xây dựng dự án, tham gia các công đoạn của dự án theo từng bước. Phòng văn hóa thông tin của huyện cũng phối hợp trong công tác tuyên truyền, tham gia góp ý các bước xây dựng mô hình.

4.2.5. Đồng thuận của người dân địa phương

       Người dân địa phương tuy chưa có nhiều kiến thức về du lịch nông nghiệp nhưng đều đồng thuận đóng góp vốn, công đối ứng để xây dựng dự án. Tại các mô hình người dân đều tham gia vào các công việc như sau: Canh tác cây trồng theo hướng hữu cơ, sử dụng phân chuồng hoại mục, phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây trồng. Dẫn đường cho khách thăm quan cảnh quan của địa phương: Suối Cửa Tử, Thung lũng chè Cầu Đá, thác Khuôn tát, Thăm vườn na, khu bảo tồn Thần Sa.... Tham gia vào  nấu ăn, dịch vụ buồng phòng khi đông khách.

4.3. Khó khăn khi xây dựng mô hình

4.3.1. Ảnh hưởng của đại dịch COVID-2019

       Các đợt dịch bùng phát vào tháng 4.2020, 7.2020, 12.2020 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động mô hình, cụ thể như sau: Mô hình tại Đại Từ: đến tháng 5.2020 mới tổ chức đón khách. Tháng 7 lại phải dừng đến hết 30.8. Tháng 1 năm 2021 và tháng 4 năm 2021 phải dừng đón khách do đợt bùng phát thứ 3 và thứ tư.

Mô hình tại Võ Nhai: bắt đầu đón khách từ 20.4.2020 đến 25.7.2020, sau đó quay trở lại hoạt động vào tháng 9.2020 nhưng lượng khách rất ít. Tháng 12-3.2021, chưa hoạt động được. Mô hình Định Hóa đón khách tháng 12 năm 2020 những đến 3.5.2021 lại phải dừng hoạt động do đợt dịch bệnh tháng 5.2021.

   4.3.2. Sản phẩm du lịch nông nghiệp nghèo nàn, đơn điệu, thiếu sản phẩm đặc thù

    Hầu hết các hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp. Sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu. Phần lớn các sản phẩm du lịch tại các mô hình mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống trải nghiệm của khách ở mức độ đơn giản. Chi trả của du khách chủ yếu trả cho mua vé thăm quan, ăn uống, phòng ở, chưa chi nhiều cho các dịch vụ khác. Giá trị cốt lõi của nông nghiệp địa phương, bản sắc, văn hóa truyền thống dấu ấn đặc trưng vùng miền trong các sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa được khai thác chuyên nghiệp.

    Cây trồng có tính mùa vụ: Đối với du lịch nông nghiệp, thăm quan cây trồng vào mùa thu hoạch rất quan trọng, thu hút nhiều khách du lịch, tuy nhiên cây trồng có tính mùa vụ, ví dụ cây chè, vào mùa đông thường không ra búp nên đồi chè sẽ không đẹp. Các cây ăn quả chỉ có mùa thu hoạch nhất định, tuy các mô hình đã trồng nhiều loại cây nhưng cũng không tránh khỏi có thời gian mô hình không có loại cây gì cho khách thăm quan.

   Tại mô hình Đại Từ: Chỉ có đi thăm quan khu sản xuất chè, thăm suối. Khu thăm quan vườn thiếu chỗ đỗ xe. Hợp tác xã sản xuất chè chưa có quầy giới thiệu sản phẩm.

Mô hình tại Định Hóa; Do mới hoạt động nên sản phẩm du lịch đa số là bán vé cho khách vào tham quan, ăn trưa, chưa thu hút khách nghỉ qua đêm, chưa biết giới thiệu sản vật của địa phương.

 Mô hình tại Võ Nhai: do cây ăn quả theo mùa thu hoạch, khách đến du lịch sẽ kết   hợp thăm hang Phượng hoàng cho nên đa số đi thăm vào vụ hè. Do vậy na thu hoạch vào tháng 9-10, mùa còn lại chỉ có ổi và nhãn nhưng cũng không được quanh năm. Hoạt động du lịch gồm dịch vụ ăn uống, nghỉ qua đêm, thăm vườn quả.

4.3.3. Tiêu chí đánh giá

 Chưa có bộ tiêu chuẩn hóa về sản phẩm du lịch nông nghiệp bắt đầu từ tên gọi và nội dung hoạt động chuẩn xác là du lịch nông nghiệp để từ đó không lúng túng trong quản lý và quảng bá sản phẩm.

4.3.4. Chưa có quy hoạch

       Vấn đề quy hoạch, bảo tồn các làng nghề truyền thống nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp là một việc khó khăn đòi hỏi tầm nhìn lâu dài. Điều này cần một quyết sách rất mạnh mẽ từ các cấp lãnh đạo vì liên quan trực tiếp tới chiến lược phát triển kinh tế hàng hóa và cộng đồng cư dân nông nghiệp (nông hộ, trang trại, các trung tâm khuyến nông lâm ngư nghiệp, các hợp tác xã). Nhiều địa phương chưa có đề án quy hoạch và chính sách nhất quán trong việc định hướng xác định địa bàn cho phát triển du lịch nông nghiệp. Một số khu vực tại các vùng nông thôn bị bê tông hóa, dẫn đến thiếu bản sắc và khó khăn cho gây dựng sản phẩm riêng biệt.

 4.3.5. Người dân thiếu kiến thức, thiếu vốn

      Làm du lịch cần một lượng vốn nhất định, tuy nhiên người dân tại các vùng nông nghiệp thường thiếu vốn, do vậy không thể có đủ kinh phí đầu tư ban đầu cho một mô hình làm du lịch. Một số chương trình xây dựng nông thôn mới cũng có hỗ trợ, nhưng chỉ là một phần rất nhỏ. Mặt khác, do chủ quan, nóng vội, thiếu đánh giá ban đầu cẩn trọng mà một số hộ dân đầu tư vào nhưng du lịch không phát triển được, do vậy mất vốn, gây tâm lý lo ngại cho người dân tại những khu vực có thể phát triển được du lịch.     

     Lao động của các vùng nông thôn, đặc biệt tại một số xã miền núi ở Định Hóa, Võ Nhai còn có khoảng cách rất lớn với khu vực đô thị. Phần lớn người nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, không có đủ các kỹ năng và tư duy để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp. Hầu hết sản phẩm du lịch nông nghiệp còn rất giản đơn, chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách, cũng như tăng khả năng chi tiêu từ khách du lịch. Việc đào tạo bồi dưỡng cần cầm tay chỉ việc là một quá trình cần thời gian lâu dài, bên cạnh đó một số tập tục như là văn hóa khiến cho việc đào tạo gặp nhiều khó khăn.

       Người dân khi làm mô hình nông nghiệp gắn với du lịch do bản chất vẫn là người dân đang sản xuất nông nghiệp, nên sẽ thiếu kiến thức về Du lịch, bao gồm cả về thiết kế, vệ sinh nhà cửa, an toàn thực phẩm, an toàn cháy nổ, an nình và an toàn của khu vực khi có khách lạ. Hướng dẫn cho khách du lịch. Tuy đã được tập huấn, nhưng thời gian tập huấn ngắn nên trong khi điều hành đón khách tại các mô hình, người dân vẫn còn có những khó khăn nhất định.

4.3.6. Thiếu các chương trình xúc tiến, quảng bá, kết nối

          Vấn đề tiếp thị, quảng cáo sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa được chú trọng, kết nối thị trường với các công ty du lịch để hỗ trợ cho du lịch nông nghiệp hầu như chưa có, tiếp cận với công nghệ thông tin của các chủ trang trại còn đang dừng ở mức độ thấp.

  1. Tính bền vững của mô hình sau hai năm hoạt động

Các mô hình hiện nay vẫn đang duy trì hoạt động tốt, kết quả hoạt động của các mô hình cho thấy mô hình có tính bền vững và có khả năng duy trì.

Mô hình tại huyện Đại từ: Duy trì hoạt động tốt nhất trong 3 mô hình, thứ Bẩy Chủ nhật khách đạt 80%, ngày thường đạt 35%. Đã có thêm 5 hộ dân tại xã phát triển thêm các homstay, nhà hàng. Hợp tác xã ngoài du lịch vẫn đang duy trì sản xuất chè ổn định.

Mô hình tại huyện Võ Nhai: Mô hình có khách du lịch từ tháng 3- tháng 9. Khách du lịch chủ yếu đến thăm hang Phượng Hoàng, nghỉ trưa, sử dụng dịch vụ ăn uống, mua quả theo mùa.Tại khu vực đã có thêm 4 homstay, trong giai đoạn 2023-2025 sẽ có thêm 3 gia đình tham gia phát triển homstay.

Mô hình tại huyện Định Hóa: Khách du lịch chủ yếu đến từ tháng 1- tháng 4 hàng năm, chưa khai thác được dịch vụ khác và thiếu chỗ tắm nên vắng khách trong dịp hè. Sản xuất nông nghiệp ổn định do có thu hoạch từ vườn cây ăn quả. Tỉnh  và huyện đã có phương án hỗ trợ nhân rộng mô hình tại xã, dự kiến bắt đầu vào năm 2023.

  1. Bài học kinh nghiệm

Trên cơ sở xây dựng 3 mô hình tại các địa điểm khác nhau, cho thấy cần chú ý mấy vấn đề sau:

Muốn phát triển du lịch nông nghiệp mang tính bền vững thì khu vực dự định phát triển cần đánh giá kỹ, điểm xây dựng nên gần với các địa điểm có tài nguyên du lịch.Vai trò người dân tham gia đóng vai trò quan trọng, cân nhắc trong việc đóng góp vốn cũng như phân chia công việc, lợi nhuận. Kinh nghiệm cho thấy nên bắt đầu phát triển trên một nhóm nhỏ.

Người dân tại mô hình vẫn phải duy trì sản xuất nông nghiệp vì doanh thu về du lịch chỉ chiếm từ 20-50%

Cần đào tạo kỹ năng cho người dân: vệ sinh, an toàn, giao tiếp, nấu ăn, quảng cáo...Quá trình đào tạo cần lâu dài và có đánh giá, rút kinh nghiệm, có người hỗ trợ sau đào tạo. Các lớp tập huấn đông người thường không đem lại kết quả mong muốn.

Liên kết tạo thành tuyến du lịch, điều này cần sự vào cuộc của công ty du lịch, chính quyền địa phương.

        TS. Vũ Thị Thanh Thủy - Trưởng Khoa QLTN 

Tháng 4, 2023

 Ảnh mô hình

Mô hình tại xã Hoàng Nông- huyện Đại Từ - Tỉnh Thái Nguyên

                       Mô hình tại xã Phú Đình – Huyện Định Hóa – Tỉnh Thái Nguyên

Mô hình tại xã Phú Thượng- huyện Võ Nhai- tỉnh Thái Nguyên

Tác giả: Nguyễn Thi Thu Thùy

BÀI VIẾT LIÊN QUAN