Banner
Trang chủ NGHIÊN CỨU Nghiên cứu khoa học cán bộ

Ứng dụng công nghệ GIS xây dựng hệ thống tra cứu thông tin du lịch cho huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên

07/11/2022 08:35 - Xem: 925
Để xây dựng thương hiệu du lịch huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên gắn với hình ảnh chủ đạo, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống thì huyện Đại Từ cần phải có một hệ thống thông tin du lịch hoàn thiện nhằm quản lý và quảng bá du lịch cho huyện. Nghiên cứu này sử dụng phương pháp điều tra, thu thập số liệu về các loại bản đồ (hiện trạng, quy hoạch, bản đồ địa giới hành chính…), thông tin về hiện trạng hoạt động, khai thác du lịch tại khu vực, các quyết định phát triển văn hóa thể thao du lịch Thái Nguyên, phương pháp thành lập bản đồ các điểm du lịch huyện Đại Từ và bản đồ quảng bá du lịch huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên bằng phần mềm GIS. Kết quả nghiên cứu đã xây dựng được bản đồ các điểm du lịch huyện Đại Từ và bản đồ quảng bá du lịch huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên 2022, xây dựng được cơ sở dữ liệu thuộc tính về du lịch huyện Đại Từ: Nhóm dữ liệu tiềm năng du lịch, nhóm dữ liệu nền, nhóm dữ liệu hạ tầng kĩ thuật. Mô hình hóa các tiêu chí hình thành điểm du lịch huyện Đại Từ. Tra cứu các địa điểm du lịch của huyện Đại Từ dựa trên công nghệ GIS.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ­­

     Đại Từ là một huyện miền núi nằm ở phía tây bắc tỉnh Thái Nguyên, cách thành phố Thái Nguyên 25 km. Đại Từ với những địa danh, danh thắng nổi tiếng như: Núi Văn - núi Võ, Hồ Núi Cốc, Nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên (xã La Bằng), khu đài tưởng niệm Thanh niên xung phong (xã Yên Lãng); Khu di tích chiến khu Nguyễn Huệ (xã Yên Lãng) Cửa Tử, suối Kẹm, suối Đát Đắng, chè Tân Cương… nhưng vẫn chưa thu hút khách du lịch trên khắp cả nước. Để thúc đẩy phát triển du lịch của huyện thì cần phải đổi mới cách thức, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyên nghiệp và nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch trong nước và nước ngoài.

     Hệ thống thông tin địa lý- GIS, là công cụ để xử lý dữ liệu, thành lập, chồng xếp bản đồ giúp tra cứu, tìm kiếm các điểm du lịch, giúp khai thác tiềm năng du lịch một cách hiệu quả [5].

2. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Vật liệu nghiên cứu

Dữ liệu phục vụ cho quá trình nghiên cứu:

- Phần mềm MapInfor 10.2, ArcView 3.2 của GIS: Phân tích số liệu, chồng xếp và biên tập bản đồ

- Bản đồ hiện trạng sử dụng đất huyện Đại Từ năm 2020, bản đồ địa giới hành chính 364; bản đồ địa hình, bản đồ giải thửa 299…

2.2. Quy trình thực hiện xây dựng hệ thống tra cứu thông tin du lịch huyện Đại Từ

     Để xây dựng được bản đồ các điểm du lịch và bản đồ quảng bá du lịch huyện Đại Từ cần phải thu thập số liệu, các loại bản đồ, sử dụng công nghệ GIS để xử lý và chuyển đổi dữ liệu sau đó mô hình hóa các tiêu chí hình thành điểm du lịch. Quá trình thực hiện xây dựng hệ thống tra cứu thông tin du lịch huyện Đại Từ được thực hiện theo quy trình như hình 01:

Hình 01: Quy trình xây dựng hệ thống tra cứu thông tin du lịch huyện Đại Từ

2.3. Phương pháp nghiên cứu

      - Phương pháp điều tra, thu thập số liệu

Thu thập số liệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của huyện; các loại bản đồ, điều tra, thu thập thông tin về hiện trạng hoạt động, khai thác du lịch tại khu vực. Quyết định 1750/QĐ – UBND 2017 Chương trình phát triển văn hóa thể thao du lịch Thái Nguyên [2].

- Phương pháp khảo sát thực địa

Là việc trực tiếp đi thực địa để khảo sát các điểm, tuyến, khu du lịch nhằm xây dựng các mô hình và bản đồ chuyên đề về du lịch.

- Phương pháp xây dựng bản đồ số bằng công nghệ GIS

+ Là phương pháp tìm hiểu các tài liệu bản đồ đã có như bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ địa chính, xây dựng nguồn dữ liệu không gian và dữ liệu thuộc tính về các điểm du lịch và bản đồ quảng bá du lịch của huyện Đại Từ.  

+ Phần mềm MapInfor 10.2, ArcView3.2 (GIS) có thể đáp ứng toàn bộ yêu cầu thành lập bản đồ du lịch, cho phép liên kết, khai thác, tìm kiếm,... quản lý thông tin du lịch một cách thuận tiện bằng lệnh: Find, Query, Update Column.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. Tìm hiểu, đánh giá thực trạng địa bàn nghiên cứu

Đại từ: Phía bắc giáp huyện Định Hóa, Phía Đông Nam giáp thị xã Phổ Yên và thành phố Thái Nguyên, phía Đông bắc giáp huyện Phú Lương, phía Tây giáp tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Vĩnh Phúc, phía nam giáp tỉnh Vĩnh Phúc với tổng diện tích 568.55 km2. Đại Từ là nơi ra đời của tổ chức cơ sở Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên với 162 địa điểm di tích lịch sử văn hoá đã kiểm kê và 4 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia.

Hình 02: Vị trí huyện Đại Từ trên bản đồ hành chính

3.2. Mô hình hóa tiêu chí hình thành điểm du lịch huyện Đại Từ

3.2.1. Khái quát các điểm du lịch huyện Đại Từ

Huyện Đại Từ có các điểm du lịch nổi tiếng sau:

-  Ngôi chùa thuộc thị trấn Hùng Sơn với diện tích 3000m2, đây là ngôi chùa  ghi nhận sự ra đời ngày Thương binh liệt sĩ ở nước ta.

- Núi Văn, núi Võ: Một di tích gắn với tên tuổi và quê hương vị danh tướng Lưu Nhân Chú với những đóng góp to lớn cho cuộc kháng chiến chống giặc Minh thế kỷ 15 và triều đại nhà Lê.

- Điểm du lịch tham quan đồi chè Đại Từ:  Đồi chè La Bằng, chè Làng Thượng (xã Phú Thịnh), chè Khuôn Gà (thị trấn Hùng Sơn), Quân Chu… Hàng năm, lễ hội trà Đại Từ Thái Nguyên được tổ chức nhằm tôn vinh cây trà và người làm trà

- Khu du lịch leo núi (núi Pháo) có các tuyến leo núi, từng tuyến có xây dựng các trạm nghỉ chân, các nhà hàng giải khát, nghỉ ngơi...

- Hồ Núi Cốc: Nơi đây có nhiều hoạt động dịch vụ vui chơi, giải trí, tham quan và nghỉ dưỡng như: Du thuyền trên mặt hồ thăm các đảo, thăm huyền thoại cung, Thăm công viên cổ tích, vườn thú, vui chơi ở công viên nước.

- Suối Kẹm- La Bằng: Nằm ở sườn Đông dãy núi Tam Đảo, La Bằng có điều kiện khí hậu mát mẻ cùng cảnh quan hấp dẫn.

- Đát Đắng- Phú Xuyên: Thác Đát Đắng hiện ra tầng tầng, lớp lớp chắc chắn sẽ không phụ công sức của những vị khách đam mê du lịch và khám phá.

- Suối Cửa Tử: nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 45km. Cảnh vật nơi đây hoang sơ, dòng nước trong xanh, mát rượi thu hút du khách đến tham quan.

3.2.2 Xây dựng bộ tiêu chí để hình thành điểm du lịch (vùng tiềm năng du lịch) huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên

Xây dựng bộ tiêu chí để hình thành điểm du lịch (vùng tiềm năng du lịch) huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên dựa trên 29 tiêu chí được chia thành 6 nhóm, cụ thể như sau [4]:

 - Nhóm tiêu chí về tài nguyên du lịch: Sự đa dạng và độc đáo của tài nguyên, sức chứa của điểm tài nguyên, bảo vệ và tôn tạo tài nguyên.

- Nhóm tiêu chí về sản phẩm và dịch vụ : Cung cấp thông tin cho khách hàng, chỉ dẫn thông tin trong toàn bộ điểm du lịch, thuyết minh, quầy thông tin du lịch, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ lưu trú của khách du lịch, dịch vụ cung cấp cho khách trong các khu lưu trú, hệ thống nhà hàng phục vụ khách du lịch, dịch vụ ăn uống, dịch vụ tham quan, nghỉ dưỡng, khám phá, tìm hiểu các giá trị về tự nhiên, văn hóa, dịch vụ tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo, dịch vụ mua sắm.

- Nhóm tiêu chí về quản lý điểm đến: Quản lý chung, môi trường tự nhiên và vệ sinh chung, xử lý rác thải, hệ thống nhà vệ sinh công cộng, môi trường xã hội, tổ chức lực lượng an ninh, trật tự, phương án đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch.

- Nhóm tiêu chí về cơ sở hạ tầng: Hệ thống đường giao thông, biển báo chỉ dẫn tiếp cận khu du lịch bằng đường bộ, đường thủy, đường giao thông nội bộ, hệ thống điện, hệ thống cấp, thoát nước.

- Nhóm tiêu chí về sự tham gia của cộng đồng địa phương: Tỷ lệ lao động là người địa phương trong điểm du lịch.

 - Nhóm tiêu chí về sự hài lòng của khách:  Sự hài lòng của khách du lịch thông qua phỏng vấn, phiếu điều tra..

3.2.3. Xây dựng được cơ sở dữ liệu thuộc tính về du lịch huyện Đại Từ

Nghiên cứu xây dựng ba nhóm dữ liệu bảng 01 cho thấy [1]:

Bảng 01: Cơ sở dữ liệu thuộc tính về du lịch huyện Đại Từ

 

STT

Lớp dữ liệu bản đồ

Loại dữ liệu

Dữ liệu thuộc tính đi kèm

I. Nhóm dữ liệu tiềm năng du lịch

1.1

Điểm tiềm năng nhân văn

Điểm

Tên địa danh và loại

1.2

Điểm tiềm năng thiên nhiên (vùng)

Vùng

Tên địa danh, loại và diện tích

1.3

Điểm tiềm năng thiên nhiên (điểm)

Điểm

Tên địa danh, loại diện tích, loại hình dịch vụ, (khách sạn…)

II. Nhóm dữ liệu nền

2.1

Ủy ban nhân dân các cấp

Điểm

Loại và tên UBND

2.2

Ranh giới xã

Vùng

Tên xã, tên huyện

2.3

Ranh giới huyên

Vùng

Tên huyện

2.4

Đường bình đồ

Đường

Độ cao

2.5

Thủy văn dạng đường

Đường

Tên và loại

III. Nhóm dữ liệu hạ tầng kĩ thuật

3.1

Tim đường giao thông chính

Đường

Tên đường, độ rộng và vật liệu

3.2

Khách sạn

Điểm

Tên, loại và số sao

3.3

Chợ

Điểm

Tên, loại

3.4

Cơ sở y tế

Điểm

Tên, loại

3.5

Bưu điện,

Điểm

Tên, loại

3.6

Trạm xăng

Điểm

Tên, loại

- Nhóm dữ liệu tiềm năng du lịch gồm: Tiềm năng nhân văn, tiềm năng thiên nhiên,

- Nhóm dữ liệu nền: Hành chính, địa hình, thủy văn

- Nhóm dữ liệu hạ tầng kĩ thuật: Khách sạn, chợ, cơ sở y tế, trạm xăng…

Cơ sở dữ liệu sau khi được xây dựng sẽ cho phép tra cứu thông tin về vị trí, khách sạn, nhà hàng, chợ, hiệu thuốc, các loại hình dịch vụ… gần khu du lịch.

Trong quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu thuộc tính về du lịch huyện Đại Từ cần phải gán cơ sở dữ liệu thuộc tính, hình 03 là kết quả nhập dữ liệu thuộc tính để xây dựng hệ thống tra cứu thông tin du lịch cho huyện Đại Từ, nhập thông tin về Khu du lịch, diện tích, vị trí, điểm du lịch...

Hình 03: Thao tác gán cơ sở dữ liệu thuộc tính trên GIS

3.2.4. Mô hình hóa các tiêu chí hình thành điểm du lịch huyện Đại Từ

Hình 04: Mô hình hóa các tiêu chí hình thành điểm du lịch huyện Đại Từ [1]

Hình 04: Kết quả nghiên cứu đã tìm ra được các điểm du lịch của huyện Đại Từ: Hồ Núi Cốc, Suối Kẹm- La Bằng, thác Đát Đắng- Phú Xuyên, suối Cửa Tử, điểm du lịch tham quan đồi chè: núi Bóng xã Minh Tiến,  chè La Bằng, chè Làng Thượng (xã Phú Thịnh), chè Khuôn Gà (thị trấn Hùng Sơn), Quân Chu…

3.3. Xây dựng bản đồ chuyên đề du lịch cho huyện Đại Từ

* Chuyển đổi bản đồ

Bản đồ vùng nghiên cứu thể hiện ở hình 05 được xây dựng bằng phần mềm chuyên dùng là Microstation sau đó chuyển dữ liệu sang MapInfo để xử lý và liên kết dữ liệu hình học và phi hình  học

Hình 05: Bản đồ nền trên MicroStation được nhập sang MapInfor

 Dữ liệu bản đồ sau khi phân theo vị trí chỉ ở dạng dữ liệu hình học chứ chưa bao gồm các thông tin về diện tích, đường, vị trí,…(đây là các dữ liệu thuộc tính cho bản đồ).

* Xây dựng bản đồ chuyên đề du lịch cho huyện Đại Từ

Hình 06: Các bước thực hiện mô hình để xác định điểm du lịch huyện Đại Từ

          Để xây dựng bản đồ điểm du lịch huyện Đại Từ, ta tiến hành như sau: Chọn menu Map/Create thematic Map sẽ xuất hiện hộp thoại Create thematic Map - Step 1 of 3, trong đó chọn Individual/Next xuất hiện cửa sổ Create thematic Map - Step 2 of 3 chọn tên lớp Table (ranh_gioi) và cột dữ liệu muốn xây dựng thành bản đồ.

Hình 07: Bản đồ các điểm du lịch huyện Đại Từ

Qua hình 07 cho thấy mỗi chấm đỏ trên bản đồ thể hiện vị trí điểm du lịch của huyện Đại Từ

Hình 08: Bản đồ du lịch huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên năm 2022

Qua hình 08 cho thấy ứng với mỗi mầu sắc trên bản đồ sẽ thể hiện một điểm du lịch của huyện Đại Từ

3.4. Tra cứu, tìm kiếm thông tin các điểm du lịch huyện Đại Từ

* Tra cứu các điểm du lịch

          Với những nguồn dữ liệu đã được cập nhật, sử dụng chức năng Infor Tool trên thanh công cụ của MapInfor người dùng có thể thực hiện các thao tác tra cứu các thông tin theo ý muốn, tất cả các thông tin về điểm du lịch sẽ được hiển thị như hình 09.

Hình 09: Tra cứu thông tin về các điểm du lịch

* Tìm kiếm các điểm du lịch

Để tìm kiếm thông tin các điểm du lịch: trên thanh công cụ của MapInfo thực hiện các thao tác sau: Find → chọn trường thông tin cần tìm kiếm → Ok   → nhập yêu cầu cần tìm kiếm trên thanh công cụ Find. Ví dụ: Để tìm kiếm điểm du lịch tại thanh tìm kiếm ta nhập “Suối Cửa Tử”, “Hồ Núi Cốc”… trên bản đồ sẽ được đánh dấu, các thông tin về khu du lịch sẽ được hiển thị bằng các chấm đỏ.

                                                     

Hình 10: Tìm kiếm thông tin các địa điểm du lịch

4. Kết luận

      - Nghiên cứu đã chỉ ra được các địa điểm du lịch khi đến huyện Đại Từ là: Ngôi chùa thuộc thị trấn Hùng Sơn, Núi Văn, núi Võ, điểm du lịch tham quan đồi chè Đại Từ Thái Nguyên, khu du lịch leo núi (núi Pháo), Hồ Núi Cốc, Suối Kẹm, Suối Đát Đắng, Suối Cửa Tử...

- Xây dựng cơ sở dữ liệu thuộc tính về du lịch huyện Đại Từ: Nhóm dữ liệu tiềm năng du lịch, nhóm dữ liệu nền, nhóm dữ liệu hạ tầng kĩ thuật. Mô hình hóa các tiêu chí hình thành điểm du lịch huyện Đại Từ.

- Xây dựng bản đồ chuyên đề du lịch: Bản đồ các điểm du lịch huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên, bản đồ quảng bá du lịch huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên.

- Ứng dụng tra cứu, tìm kiếm các địa điểm du lịch của huyện Đại Từ dựa trên công nghệ GIS giúp quản lý và quảng bá du lịch rất hiệu quả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Vũ Lê Ánh, 2012, Ứng dụng GIS trong quy hoạch du lịch huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Hà Nội.

2. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam (2015), QĐ 260/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

3. Bộ Tài nguyên & Môi trường (2019), Thông tư 13/2019/TT-BTNMT có hiệu lực ngày 23/9/2019 quy định việc lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp huyện

4. Bộ Văn Hóa thể thao và Du lịch (2016), Quyết định Số: 4640/QĐ-BVHTTDL ngày 28/12/2016 về việc ban hành bộ tiêu chí đánh giá điểm đến du lịch

5. Đàm Xuân Vận, Ngô Thị Hồng Gấm, Nguyễn Huy Trung (2022), Hệ thống Thông tin Địa lý, Nhà XB Bách Khoa, Hà Nội

6. Nguyễn Thị Phương Nga, 2019, Ứng dụng GIS xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch cộng đồng tỉnh Hà Giang phục vụ học tập của sinh viên ngành du lịch, Tạp chí khoa học HNUE, Tập 64, Số 5, trang 165-173                                    

ThS. Ngô Thị Hồng Gấm

BÀI VIẾT LIÊN QUAN