Banner
Trang chủ TIN TỨC & SỰ KIỆN Tin trong ngày

Nhật kí thực tập: Học tập mô hình quản lý tại trung tâm dịch vụ lữ hành

08/05/2023 21:48 - Xem: 2387
Tràn đầy hứng khởi và hồi hộp là cảm giác của tôi khi chuẩn bị được tham gia chuyến thực tập nghề nghiệp: Học tập mô hình quản lý tại trung tâm dịch vụ du lịch, lữ hành trong chương trình đào tạo dành cho sinh viên ngành Quản lý tài nguyên và Du lịch sinh thái, Khoa Quản lý Tài nguyên, Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.

Tôi là Nguyễn Thanh Nga, hiện đang là sinh viên năm thứ nhất của Ngành Quản lý tài nguyên và Du lịch sinh thái. Cuối tuần vừa qua lớp chúng tôi đã cùng nhau thực hiện tour học tập 2 ngày 1 đêm với 3 địa điểm học tập là Bát Tràng – Bản Lác Mai Châu – Thủy điện Hòa Bình.

Lớp chúng tôi di chuyển từ thành phố Thái Nguyên từ 6h sáng, bạn nào cũng vui tươi phấn khởi khác hẳn với lúc ngồi trên giảng đường 8h vào lớp mà vẫn buồn ngủ. Địa điểm đầu tiên chúng tôi đến đó là Làng nghề truyền thống Gốm Bát Tràng. Bát Tràng là làng nghề gốm sứ lâu đời nằm ven sông Hồng, thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Trên xe, chúng tôi chia nhóm và cùng nhau chia sẻ cho cả đoàn biết lịch sử hình thành của các địa điểm nổi tiếng tại Làng Gốm Bát Tràng, đây cũng là 1 cách giúp chúng tôi tự tin hơn trước đám đông, học làm 1 hướng dẫn viên dẫn đoàn tham gia 1 tour du lịch.

Buổi sáng đầu tiên khi đặt chân tới làng điểm đầu tiên mà chúng tôi được tham quan là Lò Bầu nung gốm của làng, sau đó được các nghệ nhân ở đây kể về toàn bộ quy trình làm gốm. Trước đây, khi khoa học kỹ thuật chưa phát triển, các nghệ nhân gốm tại Bát Tràng sử dụng lò bầu để nung gốm theo phương thức thủ công. Hiện nay, làng bát tràng còn duy nhất một lò bầu cổ có tuổi đời lên đến gần 100 năm, hệ thống 5 lò đã được ngừng hoạt động và chỉ đóng vai trò cho du khách tham quan.

Hình 1: Nghệ nhân giới thiệu Lò Bầu

Hình 2: Cả đoàn chụp ảnh trước Lò Bầu cổ Bát Tràng

Sau khi rời khỏi Lò Bầu thì tiếp tục chúng tôi đến với chợ Gốm Bát Tràng, ở đây có rất đa dạng các sản phẩm làm bằng gốm và với mức giá rất phải chăng, mọi người có thể thoả thích mua về làm quà lưu niệm.

Hình 3: Mua quà lưu niệm tại chợ Gốm Bát Tràng

Chúng tôi di chuyển tham quan Trung tâm tinh hoa Làng nghề Việt hay còn gọi là Bảo tàng gốm và cả đoàn dùng bữa trưa tại đây

Hình 4: Tham quan bảo tàng gốm

Sau gần bốn tiếng di chuyển thì chúng tôi có mặt tại Bản Lác Mai Châu Hòa Bình, sau khi cất đồ vào homestay thì đoàn di chuyển đi tham quan vòng quanh làng bằng xe đạp, tới tối chúng tôi được giao lưu với người dân trong làng, được tham gia vào hoạt động âm nhạc, nhảy múa mang đặc bản sắc dân tộc và còn được thưởng thức rượu cần và ẩm thực ở đây.

Hình 5: Mai Châu Homestay

Hình 6: Giao lưu văn hóa dân tộc tại Bản Lác

Ngày thứ 2 chúng tôi đến với Thủy điện Hòa Bình. Được hoàn thành vào năm 1994, đây là một trong những nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Thủy Điện Hòa Bình được xây dựng với sự giúp sức của nước bạn Liên Xô cũ. Ngoài ý nghĩa là một công trình công nghiệp quan trọng của đất nước, đóng góp sản lượng điện bằng 1/3 tổng sản lượng điện trong cả nước, Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình còn là một điểm thăm quan du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua đối với du khách gần xa khi đến thăm Hoà Bình.

Hình 7: Đoàn đi bộ xuống hầm thủy điện dài 400m

Hình 8: Đoàn chụp ảnh lưu niệm dưới hầm thủy điện

Kết thúc chuyến thực tập, không chỉ Thanh Nga mà tôi chắc chắn các bạn trong lớp cũng giống như tôi, được trải nghiệm và tích lũy được nhiều kinh nghiệm đối với nghề du lịch, hiểu biết thực tiễn nghề nghiệp, được cọ xát giúp tăng khả năng thích ứng với môi trường làm việc thực tiễn. Ngoài ra, còn giúp chúng tôi được tự tin hơn trong giao tiếp, tạo lập các mối quan hệ mới và làm quen với các hoạt động tập thể, là hành trang quan trọng sau khi ra trường.

Đây không chỉ là 1 chuyến đi thực tập mà còn nhiều giá trị cốt lõi mà sinh viên nhận được !

Thanh Nga – K54 QLTN&DLST

BÀI VIẾT LIÊN QUAN