Banner
Trang chủ TIN TỨC & SỰ KIỆN

PHƯƠNG PHÁP DELPHI VÀ QUY TẮC KAMET

15/06/2023 15:52 - Xem: 2802
Bài viết giúp cho các Nghiên cứu sinh, giảng viên Ngành Quản lý đất đai, Quản lý tài nguyên và môi trường và một số ngành khác trong việc lựa chọnphương pháp nghiên cứu
  1. Khái niệm về phương pháp Delphi

         Trong nghiên cứu khoa học, phương pháp tham vấn chuyên gia rất được coi trọng. Trong quá trình tham vấn các chuyên gia, có chuyên gia đưa ra các kết quả tham vấn khác nhau. Để đạt được sự thống nhất và đồng thuận của các chuyên gia thì cần có những cuộc họp để bàn luận thống nhất các ý kiến. Trong đó phương pháp Delphi là phương pháp tham vấn chuyên gia giải quyết được đồng nhất của các chuyên gia tham vấn.

Phương pháp này huy động trí tuệ của các chuyên gia ở những vùng địa lí khác nhau để xây dựng dự báo.

      Phương pháp khảo sát Delphi là một quá trình lặp đi lặp lại được sử dụng để thu thập và chắt lọc các đánh giá của các chuyên gia bằng cách sử dụng một loạt bảng câu hỏi xen kẽ với phản hồi. Mục đích của phương pháp này là xây dựng các dự báo đồng thuận từ một nhóm chuyên gia theo cách lặp đi lặp lại có cấu trúc. Sự đồng thuận các ý kiến chuyên gia góp phần nâng câp chất lượng nghiên cứu khoa học, do đó, phương pháp Delphi rất cần thiết cho các nghiên cứu cần tham vấn chuyên gia.

        Các bảng câu hỏi được thiết kế để tập trung vào các vấn đề, cơ hội, giải pháp hoặc dự báo. Mỗi bảng câu hỏi tiếp theo được phát triển dựa trên kết quả của bảng câu hỏi trước đó. Quá trình này sẽ dừng lại khi câu trả lời đạt được sự đồng thuận hay khi đã trao đổi đầy đủ thông tin [1].

Mục đích của phương pháp này là xây dựng các dự báo đồng thuận từ một nhóm chuyên gia theo cách lặp đi lặp lại có cấu trúc. Phương pháp này tạo cơ hội cho các chuyên gia (tham luận viên) truyền đạt ý kiến và kiến thức của họ một cách ẩn danh, xem xét cách đánh giá của họ về vấn đề đó có phù hợp với những người khác không, và cho phép thay đổi ý kiến của họ, nếu muốn, sau khi xem xét lại những thông tin đưa ra trong nhóm [2].

  1. Phương pháp tiếp cận theo Delphil

     Tùy thuộc vào các nghiên cứu khác nhau sẽ có những cách tiếp cận Delphi khác nhau, tuy nhiên đa số phương pháp Delphi thường được tiếp cận theo 8 bước như sau [3]:

·       Bước 1: Xây dựng một nhóm thực hiện Delphi.

·       Bước 2: Lựa chọn đội ngũ chuyên gia liên quan tới quá trình Delphi.

·       Bước 3: Xây dựng bộ chỉ số, các câu hỏi.

·       Bước 4: Áp dụng phương pháp Delphi vòng 1.

·       Bước 5: Phân tích các đáp án vòng 1. Sau khi nhận được các đáp án từ các chuyên gia, nhóm Delphi sẽ tiến hành tổng hợp và phân tích kết quả dựa vào nguyên tắc KAMET (Knowledge Acquisition for Multiple Experts with Time scales). Nguyên tắc KAMET đưa ra mức độ đánh giá quan trọng của mỗi chỉ số (qi) ở từng giai đoạn khác nhau trên cơ sở đánh giá tổ hợp các giá trị thống kê bao gồm Trung vị (Mdqi); Độ lệch tứ phân vị (Qqi); Giá trị trung bình (Mqi) và Phương sai (Vqi). Chú ý rằng Phương sai ở đây là tỷ lệ số chuyên gia thay đổi đánh giá, có đơn vị là %.

·       Bước 6: Áp dụng phương pháp Delphi vòng 2. Các bảng câu hỏi sau khi đã loại các chỉ số hay câu hỏi không thỏa mãn nguyên tắc KAMET ở vòng trước được phân phối tới từng chuyên gia để tham vấn ý kiến đồng thuận và đánh giá mức độ ổn định trong câu trả lời của các thành viên.

·       Bước 7: Phân tích các đáp án vòng 2. Tương tự như vòng 1, sau khi thu được các đáp án từ các chuyên gia, nhóm Delphi lại tiến hành phân tích dựa vào nguyên tắc KAMET. Các giá trị thống kê bao gồm Trung vị (Mdqi); Độ lệch tứ phân vị (Qqi); Giá trị trung bình (Mqi) và Phương sai (Vqi) được tính toán lại ở bước này.

·       Bước 8: Phân tích và tổng hợp kết quả

Bảng 1. Quy tắc KAMET phân tích đánh giá từ các chuyên gia sử dụng phương pháp Delphi

Điều kiện

Vòng t cho câu hỏi Delphi

Vòng t+1 cho câu hỏi Delphi

1

Nếu Mqi ≥ 3,5 và Qqi ≤ 0,5 và Vqi < 15% thì qi được chấp nhận và không cần phải tham vấn về qi nữa

 

2

Nếu Mqi ≥ 3,5 và Vqi > 15% thì thực hiện vòng 2

Mqi ≥ 3,5 và Qqi ≤ 0,5 và Vqi < 15% thì qi được chấp nhận và không cần phải tham vấn về qi nữa

3

Nếu Mqi ≥ 3,5 và Qqi ≥ 75% thì thực hiện vòng 2

Mqi ≥ 3,5 và Qqi ≤ 0,5 và Vqi < 15% thì qi được chấp nhận và không cần phải tham vấn về qi nữa

4

Nếu Mqi < 3,5 và Qqi ≤ 0,5 và Vqi ≤ 15% thì qi bị loại và không cần phải tham vấn về qi thêm nữa

 

Ghi chú:

Mqi: là giá trị trung bình của các chỉ tiêu hay câu hỏi tham vấn (qi)

Qqi: là độ lệch tứ phân vị

Vqi: là phương sai thể hiện tỷ lệ chuyên gia thay đổi ý kiến đánh giá

Nguồn: [3, 4]

 Có 3 nhóm chuyên gia tham gia vào quá trình dự báo:

- Những người ra quyết định

- Các nhân viên, điều phối viên

- Các chuyên gia chuyên sâu tham vấn.

3. Ưu điểm và hạn chế của phương pháp

3.1.  Ưu điểm

      Tư tưởng cơ bản của phương pháp phân tích Delphi là tạo ra và nhận được ý kiến phản ứng hai chiều từ người ra quyết định đến các chuyên gia và ngược lại. Phương pháp này tránh được mối liên hệ trực tiếp giữa các cá nhân.

       Không có các va chạm giữa người này với người khác hoặc bị ảnh hưởng của một người nào đó có ưu thế hơn.

3.2. Hạn chế của phương pháp

       Phương pháp phân tích Delphi đòi hỏi trình độ tổng hợp rất cao của điều phối viên và người ra quyết định. Họ phải là những người có đủ khả năng để tổng hợp được các bảng trả lời câu hỏi của các chuyên gia và phát triển các ý kiến đa dạng của các chuyên gia. 

        Các phương pháp dự báo định tính mang tính chủ quan nhiều, phụ thuộc vào trình độ và trách nhiệm của cá nhân người dự báo, do đó các phương pháp này có hạn chế khi vận dụng. 

     Để bảo đảm hiệu quả dự báo, cần phải kết hợp với các phương pháp định lượng, nghĩa là dùng mô hình toán học dự báo rồi sau đó dùng kinh nghiệm của nhà quản trị để điều chỉnh lại cho hợp lí.

Một số ví dụ ứng dụng phương pháp Delphil trong nghiên cứu

  1. Ứng dụng phương pháp Delphi và AHP để đánh giá tác động của đường Hồ Chí Minh đến tài nguyên, môi trường và kinh tế - xã hội đoạn qua địa phận Thừa Thiên Huế theo hướng phát triển bền vững. https://www.researchgate.net/publication/340443458_
  2. Ứng dụng phương pháp Delphi trong quản lý tài nguyên nước; https://doan.edu.vn/do-an/nghien-cuu-ap-dung-phuong-phap-khao-sat-delphi-trong-danh-gia-muc-do-quan-ly-tong-hop-tai-nguyen-nuoc-53070/
  1. Nghiên cứu cơ sở khoa học xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả các mô hình kinh tế cấp huyện thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long ; http://tapchikttv.vn/data/article/969/6.%20Proofreading.pdf

Tài liệu tham khảo

  1. Skulmoski, G. J., Hartman, F. T., & Krahn, J. (2007). The Delphi Method for Graduate Research. Journal of Information Technology Education: Research, 6, 1-21. https://doi.org/10.28945/199, https://doi.org/10.28945/199
  2. Grime, M. M., & Wright, G. (2016). Delphi Method. In P. Brandimarte, B. Everitt, G. Molenberghs, W. Piegorsch, & F. Ruggeri (Eds.), Wiley StatsRef: Statistics Reference Online (pp. 1-6). John Wiley & Sons Inc.
  3. Chu H. C., Hwang G. J. (2007), A Delphi-Based Approach to Developing Experts System with the Cooperation of Multiple Experts. Experts System with Application, pp.1-15, (Article in press)

 TS. Vũ Thị Thanh Thủy

BÀI VIẾT LIÊN QUAN