Banner
Trang chủ NGHIÊN CỨU Nghiên cứu khoa học cán bộ

BẢN GÓP Ý CHO DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT CỦA HĐND TỈNH THÁI NGUYÊN VỀ KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT NĂM 2024 CỦA UBND TỈNH

18/12/2023 14:53 - Xem: 332

Sau khi đọc nghiên cứu Dự thảo Nghị quyết; thông tin, số liệu trong các Phụ lục kèm theo; nghiên cứu Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; nghiên cứu Niên giám Thống kê tỉnh Thái Nguyên đến 31/12/2022, tôi có 1 số ý kiến góp ý như sau:

1. Nên nghiên cứu, cân nhắc kĩ việc thu hồi và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa

- Theo số liệu thống kê đất đai của tỉnh Thái Nguyên trong Niên giám thống kê, đến 31/12/2022, toàn tỉnh có 46.206 ha đất trồng lúa.

- Tại Phụ lục 4 (Chuyển tiếp 405 công trình, dự án có chuyển mục đích sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa; dưới 20 ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng được HĐND tỉnh thông qua năm 2021 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên) đã phê duyệt cho chuyển mục đích 886,42 ha đất trồng lúa.

- Tại Phụ lục 3 (Điều chỉnh tên, địa điểm, diện tích đối với 73 công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên) đã đề nghị HĐND tỉnh họp kỳ cuối năm 2023 điều chỉnh tăng 10,15 ha (từ 22,15 ha lên 22,30 ha) đất trồng lúa.

Như vậy, nếu thực hiện xong hạng mục “chuyển tiếp” và “điều chỉnh” những gì HĐND tỉnh đã phê duyệt năm 2021 trên đây thì đất trồng lúa của tỉnh Thái Nguyên, mất đi 896,57 ha (886,42 ha + 10,15 ha) = 1,94% tổng diện tích đất lúa của tỉnh. Khi đó, diện tích đất lúa của tỉnh còn: 46.206,00 ha - 896,57 ha = 45.309,43 ha.

Trong khi đó:

- Tại Phụ lục 1 (Danh mục 227 công trình, dự án thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên) Tiếp tục đề nghị HĐND họp kỳ cuối năm 2023 phê duyệt cho thu hồi 455,46 ha đất trồng lúa.

- Tại Phụ lục 2 (Danh mục 152 công trình, dự án có chuyển mục đích sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa; dưới 20 ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên) Tiếp tục đề nghị HĐND họp kỳ cuối năm 2023 phê duyệt cho chuyển mục đích 117,65 ha đất trồng lúa?

Như vậy, nếu kỳ cuối năm 2023, HĐND tỉnh tiếp tục phê duyệt nội dung Phụ lục 1 và Phụ lục 2 trên đây thì đất trồng lúa của tỉnh Thái Nguyên, tiếp tục mất đi 573,11 ha (117,65 ha + 455,46 ha) = 1,24% tổng diện tích đất lúa của tỉnh. Khi đó diện tích đất lúa của tỉnh còn: 45.309,43 ha - 573,11 ha = 44.736,32 ha.

Tức là, chỉ trong 3 năm từ 2021-2023, nếu HĐND họp kỳ cuối năm 2023 đồng ý phê duyệt nội dung này, nghĩa là đã đồng ý cho thu hồi và chuyển mục đích sử dụng mất 1.469,68 ha = 3,18% tổng diện tích đất lúa của tỉnh???

Kết luận: Cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh nên nghiên cứu, cân nhắc kĩ lại việc này, trừ những Dự án có chuyển mục đích sử dụng từ 10 ha đất trồng lúa; từ 20 ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng đã được Thủ tướng đồng ý.

2. Nên nghiên cứu, cân nhắc kĩ việc thu hồi và chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp nói chung, trồng lúa nói riêng cho phù hợp với Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Theo Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 14/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thì tỉnh Thái Nguyên chia làm 2 khu vực:

- Khu 1 (TP Thái Nguyên, TP Sông Công, TP Phổ Yên, Phú Bình, Đại Từ): Phát triển kinh tế hiện đại, năng động; là vùng đô thị, công nghiệp, dịch vụ thương mại có vai trò trung tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng và của miền Bắc.

- Khu 2 (Định Hóa, Phú Lương, Đồng Hỷ, Võ Nhai): Phát triển nông lâm nghiệp và công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản; là vùng du lịch lịch sử văn hóa, du lịch sinh thái của tỉnh, của vùng và của miền Bắc.

Các huyện của Khu 2, rất cần bảo vệ nghiêm ngặt đất nông nghiệp nói chung và đất trồng lúa nói riêng. Trong khi đó, theo Phụ lục 1 (Danh mục 227 công trình, dự án thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên) và Phụ lục 2 (Danh mục 152 công trình, dự án có chuyển mục đích sử dụng dưới 10 ha đất trồng lúa; dưới 20 ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên) thì UBND tỉnh đề nghị HĐND họp kỳ cuối năm 2023 phê duyệt cho thu hồi đất trồng lúa và cho chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ sang loại đất khác khá nhiều, nên nghiên cứu lại, chuyển sang vị trí khác để không phải thu hồi đất trồng lúa hoặc thu hồi ít hơn đất trồng lúa, cụ thể như sau:

2.1. Huyện Định Hóa: UBND tỉnh đề nghị HĐND họp kì cuối năm 2023 phê duyệt thu hồi 18,33 ha đất trồng lúa (Phụ lục 1), trong đó cần xem lại 02 dự án sau sẽ thu hồi 11,09 ha đất trồng lúa.

- Dự án Khu Dân cư Phú Đình = 6,94 ha đất trồng lúa (trong tổng 9,87 ha), chiếm 70,31% tổng diện tích thu hồi.

- Dự án Khu Dân cư Kim Phượng = 4,15 ha đất trồng lúa (trong tổng 4,75 ha), chiếm 87,37% tổng diện tích thu hồi.

2.2. Huyện Đồng Hỷ: UBND tỉnh đề nghị HĐND họp kì cuối năm 2023 phê duyệt cho chuyển mục đích sử dụng 8,90 ha đất trồng lúa (Phụ lục 2), trong đó cần xem lại Dự án Mở rộng nhà máy luyện gang thép công suất 100.000 tấn/năm tại xã Nam Hòa sẽ thu hồi 5,38 ha đất trồng lúa (trong tổng 10,00 ha), chiếm 53,80% tổng diện tích thu hồi.

2.3. Huyện Võ Nhai: UBND tỉnh đề nghị HĐND họp kì cuối năm 2023 phê duyệt thu hồi 131,25 ha đất trồng lúa (Phụ lục 2), trong đó cần xem lại Dự án Tái định cư tập trung khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai tại xóm Tân Kim, xã Thần Sa là 3,40 ha đất (100% là đất rừng phòng hộ).

2.4. Huyện Phú Bình: UBND tỉnh đề nghị HĐND họp kì cuối năm 2023 phê duyệt thu hồi 180,55 ha đất trồng lúa (Phụ lục 1), trong đó cần xem lại 02 dự án sau sẽ thu hồi 28,62 ha đất trồng lúa.

- Dự án Khu Dân cư số 2 Tân Đức = 12,81 ha đất trồng lúa (trong tổng 16,86 ha), chiếm 75,98% tổng diện tích thu hồi;

- Dự án Nghĩa trang Sông Cầu ở xã Nga My = 15,81 ha đất trồng lúa (trong tổng 25,00 ha), chiếm 63,24% tổng diện tích thu hồi.

2.5. Huyện Đại Từ: UBND tỉnh đề nghị HĐND họp kì cuối năm 2023 phê duyệt thu hồi 131,25 ha đất trồng lúa (Phụ lục 1), trong đó cần xem lại 05 dự án sau sẽ thu hồi 120,63 ha đất trồng lúa.

- Dự án Khu Dân cư số 2 Ký Phú = 22,42 ha đất trồng lúa (trong tổng 24,77 ha), chiếm 90,51% tổng diện tích thu hồi;

- Dự án Khu Dân cư Trung tâm Hoàng Nông = 14,53 ha đất trồng lúa (trong tổng 16,91 ha) đất trồng lúa, chiếm 85,93% tổng diện tích thu hồi;

- Dự án Khu Dân cư số 2 bình Thuận = 46,63 ha đất trồng lúa (trong tổng 56,46 ha), chiếm 82,59% tổng diện tích thu hồi;

- Dự án Khu Dân cư số 2 khôi Kỳ = 15,61 ha đất trồng lúa (trong tổng 18,66 ha), chiếm 83,65% tổng diện tích thu hồi;

- Dự án Khu Dân cư số 1 Phú Xuyên = 21,44 ha đất trồng lúa (trong tổng 28,34 ha), chiếm 75,65% tổng diện tích thu hồi.

Kết luận: Với các huyện nhiều đồi núi như Phú Bình, Đại Từ, Định Hóa, Đồng Hỷ không nên xây dựng Khu dân cư, Nghĩa trang, Mở rộng nhà máy tại những nơi mà phải thu hồi đất trồng lúa và đất rừng phòng hộ với tỉ lệ nhiều như vậy (từ 53,80% đến 100,00%). Cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh nên nghiên cứu kĩ, bố trí lại các Khu dân cư và Nghĩa trang vào các vị trí khác phù hợp hơn, phải thu hồi đất trồng lúa với tỉ lệ ít hơn, ở những nơi chủ yếu là đồi núi, chỉ có 1 ít đất trồng lúa xen kẽ (dưới 30%), không có đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.

Trân trọng cảm ơn!

 

 

PGS.TS. Nguyễn Khắc Thái Sơn; ĐT: 0988717622

Giảng viên cao cấp, Khoa Quản lý tài nguyên, Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên

 

                                                             

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN