1. Đặt vấn đề
Du lịch ngày nay được xem như là một ngành mũi nhọn trong nền kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam, là ngành “công nghiệp không khói” góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển đồng thời nâng cao thu nhập quốc dân, cải thiện đời sống của người dân [1-5].
Việt Nam là một quốc gia có điều kiện địa lý tự nhiên và tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú, hấp dẫn về vẻ đẹp sinh thái tự nhiên, nền văn hoá đa dạng và truyền thống lịch sử lâu đời [6]. Ở nước ta, bên cạnh các di sản thế giới, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và cảnh đẹp thiên nhiên, các hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp và văn hóa đặc trưng hình thành từ các hoạt động đó bao gồm các làng nghề, lễ hội và ẩm thực truyền thống cũng đã và đang trở thành tài nguyên du lịch quan trọng.
Hiện nay, đang có xu hướng phát triển du lịch kết hợp tìm hiểu lịch sử, văn hóa và tập quán sản xuất của các dân tộc [7-9]. Đây là một trong những điểm mới trong hoạt động du lịch đang được đẩy mạnh. Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có những nét đặc trưng về văn hoá, phong tục tập quán và lối sống riêng.
Bắc Kạn là một tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc, cách thủ đô Hà Nội 162 km. Trên địa bàn có 6 dân tộc anh em sinh sống bao gồm Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông và Sán Chỉ. Mỗi dân tộc có ngôn ngữ, bản sắc văn hoá và tập quán sản xuất đặc trưng. Tuy nhiên, du lịch của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng cũng như có đóng góp rất ít cho nền kinh tế và ngân sách. Đối với phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn, huyện Pác Nặm giữ vai trò quan trọng khi được xác định là một trong 3 cụm du lịch của tỉnh được định hướng đầu tư phát triển. Với cảnh sắc thiên nhiên độc đáo đặc trưng của vùng Đông Bắc cùng với giá trị văn hóa, truyền thống của đồng bào 07 dân tộc, Pác Nặm có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, những tài nguyên hiện có tại huyện chủ yếu vẫn tồn tại ở dạng tiềm năng, chưa tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút du khách.
Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá thực trạng phát triển cũng như tìm ra những điểm còn hạn chế trong phát triển du lịch sinh thái dựa trên các loại sử dụng đất nông nghiệp và văn hóa bản địa góp phần đưa ra những giải pháp và đề xuất tối ưu cho phát triển du lịch bền vững trên địa bàn huyện Pác Nặm nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung.
2. Vật liệu và phương pháp
2.1. Địa bàn nghiên cứu
Nghiên cứu được thực hiện trên địa bàn huyện Pác Nặm, cách trung tâm Thành phố Bắc Kạn khoảng 95 km về phía Bắc. Huyện có địa hình đặc trưng miền núi phía Bắc, bị chia cắt bởi các dãy núi cao vòng cung phía Đông và sông suối tạo cảnh quan thiên nhiên đẹp. Phía Bắc là các dải núi cao với đặc trưng riêng của dạng địa hình núi đá vôi, tạo nên những hang động kỳ thú, xen kẽ là các thung lũng và vùng trũng nhỏ. Với diện tích đất tự nhiên lớn, huyện còn nhiều khu vực rừng nguyên sinh với nhiều loài động thực vật quý hiếm.
Với dân số 33.818 người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm đến 98,65% với 02 dân tộc trên 10 nghìn người là Tày và Mông; 03 dân tộc từ một nghìn người trở lên là Dao, Nùng và Sán Chỉ, và 02 dân tộc dưới một nghìn người là Kinh và Hoa. Cũng như các tỉnh miền núi, đặc trưng văn hoá của Pác Nặm được tạo nên từ màu sắc văn hoá của đồng bào dân tộc.
2.2. Phương pháp thu thập thông tin
Sử dụng phương pháp nghiên cứu tài liệu và phương pháp so sánh đối chiếu các số liệu thứ cấp. Cụ thể, các nghiên cứu và số liệu thống kê về thị trường khách du lịch, về đầu tư cho du lịch, về cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch và về các sản phẩm du lịch huyện Pác Nặm được tập hợp và hệ thống hóa. Trên cơ sở phân tích và khai thác thông tin từ các tài liệu sẵn có này, sẽ khắc họa bức tranh toàn cảnh về tình hình phát triển du lịch của huyện Pác Nặm. Ngoài ra, các tài liệu và số liệu, các nghiên cứu liên quan sẽ được sử dụng trong quá trình phân tích đánh giá.
Bộ phiếu điều tra được sử dụng để khảo sát nhanh bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp ý kiến của khách du lịch đối với tài nguyên du lịch của huyện Pác Nặm. Việc khảo sát được thực hiện trong tháng 7 năm 202
Phương pháp chọn mẫu: Để phục vụ cho chạy phân tích nhân tố khám phá (EFA), với tỷ lệ số quan sát trên 1 biến phân tích là 10:1 cho 9 câu hỏi, nghiên cứu này thực hiện khảo sát 90 mẫu với 3 nhóm đối tượng (30 mẫu/nhóm) là khách du lịch ngoài tỉnh Bắc Kạn (NT), khách du lịch trong tỉnh Bắc Kạn nhưng ngoài huyện Pác Nặm (TT) và khách du lịch trong huyện Pác Nặm (TH).
2.3. Phương pháp thống kê, xử lý số liệu
Từ các dữ liệu thu thập được, tiến hành mã hóa thông tin và sử dụng các phương pháp thống kê để xử lí phân tích và diễn đạt kết quả; tổng hợp các kết quả xử lí thông tin. Cụ thể là phần mềm Microsoft excel được sử dụng để tổng hợp số liệu và biên tập các biểu đồ, phần mềm thống kê SPSS 22.0 được sử dụng trong phân tích phương sai một yếu tố (one-way anova) để so sánh và tìm ra sự khác biệt giữa các nhóm.
3. Kết quả và thảo luận
3.1. Tình hình thị trường khách du lịch
Bảng 1 thể hiện số lượt khách du lịch đến tỉnh Bắc Kạn và huyện Pác Nặm trong giai đoạn 2015-2019. Trong giai đoạn này, lượng khách nội địa đến huyện Pác Nặm tăng trưởng đều với tốc độ tăng trưởng trung bình 15,2%. Theo đánh giá chung, lượng khách du lịch nội địa đến Pác Nặm chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với tổng lượng khách nội địa đến tỉnh Bắc Kạn.
Sở dĩ tỉ trọng thấp như vậy do cơ sở vật chất phục vụ du lịch huyện gần như chưa có, các dịch vụ và sản phẩm du lịch còn nghèo nàn. Do vậy, khách du lịch thường không lưu trú tại đây lâu, phần lớn đi lại trong ngày, mức chi tiêu trung bình rất thấp, chủ yếu chi tiêu cho ăn uống, vận chuyển.
Bảng 1: Hiện trạng khách du lịch đến huyện Pác Nặm giai đoạn 2015 - 2019
Địa bàn |
Năm |
2015 |
2016 |
2017 |
2018 |
2019 |
TĐ tăng trưởng BQ |
Tỉnh Bắc Kạn |
Tổng lượt khách |
360.000 |
400.000 |
450.100 |
484.500 |
528.241 |
10,05% |
Khách quốc tế |
10.000 |
10.200 |
13.778 |
15.500 |
18.975] |
17,73% |
|
Khách nội địa |
350.000 |
389.800 |
436.322 |
469.000 |
509.284 |
9,83% |
|
Huyện Pác Nặm |
Tổng lượt khách |
1.300 |
1.585 |
1.850 |
2.300 |
2.700 |
20,05% |
Khách quốc tế |
70 |
85 |
102 |
115 |
132 |
17,18% |
|
Khách nội địa |
1.230 |
1.500 |
1.748 |
2.185 |
2.568 |
20,00% |
(Nguồn: UBND huyện Pác Nặm, 2020) [10]
Năm 2015 khách quốc tế đến Pác Nặm đạt khoảng 70 lượt, năm 2019 đạt gần 150 lượt khách đạt tốc độ tăng trưởng cho cả giai đoạn 2015 - 2019 là 17,18%. Tuy đạt tốc độ cao, nhưng số lượng thực tế còn quá nhỏ so với tổng lượng khách quốc tế đến tỉnh Bắc Kạn, chỉ đạt khoảng 4%.
Khách quốc tế đến huyện Pác Nặm chủ yếu là khách du lịch đến khu vực Hồ Ba Bể, đi qua huyện Pác Nặm rồi sang tham quan khu vực Na Hang (Tuyên Quang). Nguyên nhân do khách du lịch chưa biết đến Pác Nặm, các công ty lữ hành cũng chưa có thông tin về đặc điểm tài nguyên du lịch của huyện để quảng bá tới khách du lịch, cũng như xây dựng tour tham quan trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó hiện trạng về cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch của huyện chưa đủ để đáp ứng nhu cầu tối thiểu phục vụ khách du lịch quốc tế.
Để giải thích rõ hơn về mục đích/loại hình du lịch của du khách khi đến với huyện Pác Nặm, Bảng 2 cung cấp những thông tin cơ bản về các loại hình du lịch chính được du khách thực hiện khi đến huyện Pác Nặm.
Nhìn chung, trên địa bàn huyện mới khai thác lượng khách tham gia hoạt động lễ hội xuân và khách phượt vào thời gian mùa hoa mận (từ tháng 1 - 2 dương lịch hàng năm). Đối tượng khách này chủ yếu đi và về trong ngày. Ngoài ra, khách công vụ đến huyện Pác Nặm cũng là lượng khách chiếm tỷ lệ khá cao. Đối tượng khách du lịch công vụ thường có thời gian lưu trú dài ngày hơn, có khả năng chi tiêu cao. Tuy nhiên, với hiện trạng cơ sở vật chất kỹ thuật trong huyện hiện nay chưa đủ đáp ứng yêu cầu của đối tượng khách này.
Bảng 2: Tổng hợp thông tin các loại hình du lịch chính trên địa bàn huyện Pác Nặm
STT |
Thị trường khách |
Loại hình du lịch |
Thời điểm đi du lịch |
Đặc điểm thị trường |
1 |
Khách nội địa trong tỉnh, trong huyện |
Dự lễ hội, tham quan, nghỉ cuối tuần, tham quan thác nước, leo núi, cắm trại... |
Dịp lễ hội, mùa xuân, Mùa hè |
Thời gian lưu trú ngắn (khoảng 1 ngày); chi tiêu thấp |
2 |
Khách công vụ |
Đi công tác, tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, mua sắm |
Quanh năm |
Thời gian lưu trú dài hơn trung bình; có khả năng chi tiêu cao |
3 |
Khách đoàn học sinh phổ thông |
Tham quan, vui chơi giải trí |
Quanh năm |
Đoàn đông; khả năng chi tiêu thấp; chủ yếu đi du lịch trong ngày |
4 |
Khách phượt nội địa |
Tham quan, trải nghiệm, ngắm hoa, chụp ảnh |
Mùa hoa mận (tháng 1-2 âm lịch) Mùa thu hoạch mận (mùa hè) Mùa lúa chín (mùa thu) |
Đoàn khoảng 8-15 người; thời gian lưu trú ngắn; khả năng chi tiêu trung bình |
5 |
Khách quốc tế |
Kết hợp thăm hồ Ba Bể và khu du lịch Na Hang Tham quan, nghỉ ngơi |
Không thường xuyên |
Thời gian lưu trú ngắn; khả năng chi tiêu cao |
(Nguồn: UBND huyện Pác Nặm, 2020)[10]
3.2. Hiện trạng đầu tư cho du lịch
Do nguồn lực còn hạn chế, hệ thống tài nguyên du lịch huyện chưa được khai thác nên công tác đầu tư phát triển du lịch Pác Nặm gần như chưa có. Đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, đặc biệt là hạ tầng kết nối các điểm tiềm năng phát triển du lịch chưa hình thành, đường trực tiếp để tiếp cận đến các điểm này chỉ là lối mòn, thậm chí có một số điểm đường đi còn rất nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho du khách. Ở khu vực tư nhân, cho đến nay cũng chưa có nhà đầu tư nào đến huyện để đầu tư khai thác tiềm năng phục vụ phát triển du lịch.
3.3. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch
Hiện nay, tại Pác Nặm có 07 cơ sở lưu trú với 54 buồng có thể đáp ứng nhu cầu đơn giản về lưu trú của khách du lịch. Các buồng lưu trú đã được trang bị hệ thống dịch vụ tiện nghi tương đối đồng bộ: Tivi thu được các chương trình truyền hình địa phương, truyền hình trung ương và một số kênh thông tin nước ngoài; có hệ thống điều hòa, có sóng internet wifi. Ngoài ra, còn có 05 nhà hàng phục vụ ăn uống tập trung chính xung quanh khu vực của trung tâm huyện là ở xã Bộc Bố.
Trên địa bàn huyện hiện nay đã thành lập được 10 câu lạc bộ văn nghệ nòng cốt tại các xã, các thôn; 08 câu lạc bộ hát Then đàn Tính, 01 câu lạc bộ múa khèn Mông. Hiện Pác Nặm cũng đã tiến hành khảo sát, lập hồ sơ di sản hát Páo Dung của dân tộc Dao và đề xuất nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Pác Nặm chưa có cơ sở vui chơi giải trí để phục vụ khách du lịch, chỉ có một số cửa hàng café, karaoke tập trung ở khu vực trung tâm huyện là ở xã Bộc Bố. Cơ sở thể thao phục vụ du lịch chưa được đầu tư phát triển.
Trên địa bàn huyện chỉ có 3 doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách, taxi từ 4 chỗ đến 49 chỗ hoạt động vận chuyển khách du lịch.
3.4. Hiện trạng các sản phẩm du lịch
Sản phẩm du lịch lễ hội: Các lễ hội truyền thống tại Pác Nặm chủ yếu gồm hoạt động như văn nghệ truyền thống, thể thao, các trò chơi dân gian, gian hàng bán sản phẩm thủ công, nông phẩm… Các lễ hội hầu hết được tổ chức với ý nghĩa cầu mùa và cầu bình an, thu hút đối tượng chủ yếu là người dân địa phương trong huyện, trong tỉnh. Thời gian tổ chức vào tháng 01 âm lịch hàng năm. Năm 2020, có 12 lễ hội truyền thống lớn nhỏ được tổ chức trên địa bàn huyện, trong đó lễ hội Mù Là là lễ hội lớn nhất, thu hút 10.000 lượt khách tới tham dự, đặc biệt, lễ hội này tổ chức tại khu vực có cung bậc ruộng bậc thang đẹp, trở thành điểm thu hút khách du lịch.
Tuy nhiên, ngoài phần lễ hội, chưa có nhiều hoạt động gia tăng để kéo dài thời gian tham quan và vui chơi giải trí cho khách du lịch. Tính mùa vụ của sản phẩm du lịch này khá cao và chỉ tập trung vào khoảng thời gian diễn ra lễ hội, các lễ hội còn lại đa số cũng đều tập trung vào tháng 01 đến tháng 02 âm lịch.
Sản phẩm du lịch sinh thái tham quan cảnh thiên nhiên, dã ngoại, nghỉ cuối tuần: Với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên còn nguyên sơ, chưa khai thác, huyện Pác Nặm có nhiều điểm thắng cảnh tự nhiên đẹp như thác nước (thác Khuổi Khoang, thác Khuổi Lè, thác Cốc Lào xã Giáo Hiệu), sông (sông Năng), suối (suối Nà Lẩy xã Bộc Bố, Tả Sai xã Công Bằng), núi cao… đã thu hút một số nhóm du khách đi du lịch tự túc tới tham quan và dã ngoại tại các điểm này. Hoạt động du lịch chủ yếu là ngắm cảnh thiên nhiên, hưởng không khí mát mẻ, trong lành, dã ngoại… Hoạt động du lịch này phần lớn là tự phát, các điểm tham quan chưa có nhà đầu tư hay chính quyền địa phương khai thác, nên cũng chưa có các dịch vụ du lịch để phục vụ khách. Việc tiếp cận các điểm thắng cảnh này cũng không thuận lợi, đường đi vào điểm còn chưa có, thậm chí khá nguy hiểm với du khách. Các khu vực thác nước, suối, sông vào mùa mưa dễ xảy ra các vấn đề lũ, sạt lở nên việc khai thác du lịch tại các điểm này cần được cân nhắc và quản lý chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
Sản phẩm du lịch nông nghiệp: Với đặc thù canh tác của người dân vùng núi, những cung ruộng bậc thang, vườn cây ăn trái (cây mận) có thể trở thành điểm thu hút khách du lịch tới tham quan và trải nghiệm loại hình du lịch nông nghiệp cho huyện Pác Nặm. Thời gian qua đã có nhiều đoàn khách du lịch phượt tự tới khám phá những điểm như vườn mận, khu ruộng bậc thang để ghi lại những hình ảnh đẹp vào mùa mận nở hoa, mùa lúa chín, mùa thu hoạch mận…
Loại hình du lịch này hiện chưa được khai thác chuyên nghiệp mà chỉ do sự tự phát từ đối tượng khách phượt, chưa có những dịch vụ phụ trợ như bán hàng nông sản, dịch vụ ăn uống hay lưu trú phục vụ khách du lịch. Thời gian khai thác của loại hình du lịch này cũng phụ thuộc nhiều vào mùa nông nghiệp (mùa xuân và mùa thu) và chưa có sự kết nối với các sản phẩm du lịch khác trong địa bàn huyện.
Sản phẩm du lịch công vụ: Du lịch công vụ tuy không dựa vào tài nguyên du lịch tự nhiên hay văn hóa của Pác Nặm nhưng hiện lại là sản phẩm du lịch có lượng khách du lịch ổn định và mang đến nguồn thu đáng kể cho người dân ở huyện. Khách du lịch công vụ chủ yếu đến Pác Nặm do đặc thù công việc và thường lưu trú tại trung tâm huyện ở xã Bộc Bố. Đối tượng khách này có khả năng chi trả cao tuy nhiên do đặc thù đến huyện vì công việc, do đó khách công vụ thường không có nhiều thời gian tham quan, thay vào hoạt động đó họ chi tiêu cho dịch vụ ẩm thực và mua sắm sản vật địa phương.
Sản phẩm du lịch cộng đồng: Du lịch cộng đồng có thể được coi là sản phẩm du lịch tiềm năng của huyện Pác Nặm nhưng chưa được khai thác. Các bản làng của dân tộc Tày, Mông, Sán Chỉ vẫn còn giữ nguyên những nếp sinh hoạt truyền thống và hòa mình vào cảnh quan thiên nhiên, tạo thành một tổng thể hài hòa, rất thích hợp để khai thác loại hình du lịch này. Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm này còn chưa được khai thác, các hộ dân vẫn chưa đón khách đến lưu trú mà chỉ có một số gia đình có dịch vụ ăn uống, dịch vụ này cũng phải đặt trước vì không có lượng khách thường xuyên. Du khách chủ yếu tự tham quan bản làng và nghỉ chân ăn trưa tại tại nhà dân.
3.5. Đánh giá của du khách về dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện Pác Nặm
3.5.1. Mức độ thu hút của du lịch huyện Pác Nặm và hành vi của du khách
Theo kết quả điều tra phỏng vấn, có 51/90 (chiếm 56,67%, Hình 1a) du khách đến trải nghiệm tại huyện Pác Nặm trên 3 lần. Tuy nhiên, tỷ lệ này trong từng nhóm du khách lại có sự khác biệt rõ ràng. Cao nhất là nhóm du khách trong huyện (TH) với 76,67% và tiếp theo là nhóm du khách trong tỉnh (TT) với 60,00%, nhóm du khách ngoài tỉnh (NT) chỉ ở mức 43,33%.
Như thông tin được đề cập ở trên (Mục 3.2), trên địa bàn huyện hầu như chưa được đầu tư để phát triển du lịch. Do đó, các tuyến điểm du lịch có chứa huyện Pác Nặm chưa hình thành, các doanh nghiệp lữ hành chưa có thông tin về du lịch Pác Nặm để cung cấp cũng như truyền thông đến du khách. Trong khi đó, nguồn thông tin là một trong những yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến lựa chọn điểm đến du lịch của du khách [11]. Kết quả là, chỉ có 1,33% du khách đến với Pác Nặm nhờ vào thông tin cung cấp từ các doanh nghiệp lữ hành (Hình 1b).
Dịch vụ đi kèm và hạ tầng du lịch chưa phát triển dẫn đến thời gian lưu trú của du khách rất ngắn với 48,89% du khách lưu trú dưới 1 ngày và 36,67% du khách lưu trú 2 ngày. Du khách lưu trú 1 ngày chủ yếu đến ngắm cảnh trong chương trình du lịch hồ thủy điện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang), ở 2 ngày là những du khách có nhu cầu tìm hiểu thêm về văn hóa. Du khách lưu trú tại Pác Nặm 3 ngày và trên 5 ngày chỉ chiếm 5,56%, đây là những du khách đã đến Pác Nặm nhiều lần, thông thạo địa bàn và với mục đích nghiên cứu sâu hoặc kết hợp công tác (Hình 1c)
Đặc điểm/đặc trưng của điểm đến là nhân tố ảnh hưởng lớn nhất đến sự lựa chọn đến du lịch [12-16]. Trong nghiên cứu này, đối với lý do thu hút du khách khi đến với Pác Nặm (Hình 1d), 37,33% du khách được phỏng vấn cho rằng Pác Nặm là nơi phù hợp để thư giãn và nghỉ ngơi, điều này cho thấy du khách đến với Pác Nặm chủ yếu do tài nguyên du lịch tự nhiên còn khá nguyên vẹn với các hệ sinh thái chưa bị xâm phạm, không khí trong lành và mức độ đô thị hóa thấp. Trong khi đó, các giá trị văn hóa bản địa, sự đặc sắc của chợ phiên, khả năng kết hợp du lịch với công tác và ý định quay trở lại chiếm tỷ lệ rất thấp. Điều này chứng tỏ các giá trị văn hóa và tập quán của cộng đồng chưa thực sự được du khách ghi nhận, các dịch vụ và cơ sở hạ tầng cho du lịch còn thiếu và yếu (chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách), và nhìn chung du lịch Pác Nặm chưa có sức hút du khách quay trở lại.
Chi tiêu của du khách khi du lịch tại Pác Nặm (Hình 1e) hiện đang ở mức rất thấp (63,33% du khách chi tiêu dưới 1 triệu đồng và 34,44% du khách chi tiêu từ 1 đến 3 triệu đồng). Sự nghèo nàn về các dịch vụ bổ trợ và hạ tầng phục vụ du lịch như đã trình bày ở trên cũng là nguyên nhân chính cho thực trạng này. Các khoản chi tiêu của du khách ở Pác Nặm chủ yếu là chi phí đi lại và ăn nhẹ, các hàng hóa và dịch vụ ở phân khúc cao cấp hoàn toàn chưa xuất hiện trên địa bàn.
3.5.2. Mức độ thu hút du khách của tài nguyên du lịch huyện Pác Nặm
Bảng 3 thể hiện mức độ ưa thích của du khách được phỏng vấn về tài nguyên du lịch huyện Pác Nặm, mức độ ưa thích này được so sánh giữa 3 nhóm du khách điều tra.
Điểm đánh giá trung bình đối với các tài nguyên du lịch thiên nhiên (các điểm du lịch tiềm năng) dao động từ 3,5 đến 4,5 và không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa các nhóm du khách khi đánh giá. Như vậy, các tài nguyên tự nhiên hay loại sử dụng đất phục vụ cho phát triển du lịch vẫn sự thu hút nhất định đối với du khách nhưng ở mức độ không cao. Trong khi đó, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê được tìm thấy ở hầu hết các tài nguyên du lịch nhân văn (ngoại trừ tài nguyên Múa Khèn người H’Mông) với mức thu hút cao hơn ở nhóm du khách trong huyện (TH) và trong tỉnh (TT) chứng tỏ các giá trị văn hóa chủ yếu được ghi nhận bởi những người dân bản địa và du khách trong phạm vi gần. Cùng với đó, sự ủng hộ của người dân địa phương (du khách trong tỉnh và trong huyện) đối với tài nguyên du lịch của mình cũng có thể đóng góp vào sự khác biệt này.
Bảng 3. Mức độ thu hút của các tài nguyên du lịch và đặc trưng văn hóa huyện Pác Nặm đối với du khách
Nhóm du khách Tài nguyên du lịch |
NT |
TT |
TH |
Ruộng bậc thang thôn Phai Khỉm |
3,58a |
3,77a |
4,05a |
Ruộng bậc thang xã Nghiên Loan |
3,77a |
4,14a |
3,75a |
Rừng mận |
4,14a |
4,47a |
4,17a |
Đồi Sim An Thắng |
3,46a |
3,77a |
3,91a |
Lượn Cọi, Lượn Slương dân tộc Tày |
4,04b |
4,32ab |
4,54a |
Múa Khèn người H’Mông |
4,07a |
4,37a |
4,46a |
Nghi lễ dân tộc Dao |
3,96b |
4,43a |
4,41a |
Nghi lễ dân tộc Tày |
3,74b |
4,34a |
4,27a |
Nghi lễ dân tộc Sán Chỉ |
3,88b |
4,42a |
4,01ab |
Nghi lễ dân tộc Mông |
4,11b |
4,59a |
4,46a |
Nghề dệt thủ công truyền thống dân tộc Tày |
3,78b |
4,44a |
4.50a |
Nghề xe lanh, dệt vải thủ công dân tộc Sán Chỉ |
3,81b |
4,41a |
4,23ab |
Nghề hái và chế biến thuốc dân tộc Dao |
3,81b |
4,48a |
4,52a |
Kiến trúc nhà ở của các đồng bào dân tộc |
4,00b |
4,54a |
4,62a |
Ghi chú: 0-1: rất không thu hút; 1-2: không thu hút; 3: bình thường; 4–5: thu hút; >=5: rất thu hút
Trong cùng một hàng, các số có ký tự theo sau giống nhau thì khác biệt không có ý nghĩa thống kê, các số có ký tự theo sau khác nhau thì khác biệt có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 5% (p<0,05)
Kết quả này cũng cho thấy một vấn đề đó là thông tin về các tài nguyên du lịch của huyện Pác Nặm chưa được lan tỏa và ghi nhận ở phạm vi ngoài tỉnh Bắc Kạn [HHC7] (điểm số đánh giá bởi nhóm NT thấp nhất ở hầu hết các tài nguyên du lịch). Điều này có thể bắt nguồn từ cả các yếu tố về điều kiện tự nhiên (như địa hình phức tạp) và kinh tế xã hội (cơ sở hạ tầng nghèo nàn, chính sách thu hút đầu tư còn hạn chế, trình độ dân trí đặc biệt là hiểu biết về kinh doanh du lịch còn thấp, các hoạt động xúc tiến và quảng bá cho du lịch chưa được quan tâm thực hiện. Một sản phẩm hay dịch vụ du lịch đều được khách hàng xem xét trong một thời gian nhất định trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, đó là kết quả của quá trình nhận thức về điểm đến, tham khảo, so sánh với các điểm đến khác, dự định tham quan và quyết định lựa chọn điểm đến trên cơ sở sự tác động của các tình huống, hoàn cảnh thuận lợi hay không. Kết quả của những hoạt động đó của du khách chịu sự chi phối của các quảng bá và hoạt động truyền thông [17], [18]. [HHC8] Mặt khác, các du khách tại huyện Pác Nặm (nhóm TH) có ý kiến đánh giá thấp hơn so với các du khách trong tỉnh nhưng ngoài huyện (nhóm TT), điều này có thể đến từ việc các tài nguyên du lịch của huyện đã và đang trở nên quá quen thuộc đối với họ. Do đó, nếu làm tốt công tác quảng bá và truyền thông đi đôi với liên tục làm mới và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch sẽ phần nào thu hút được một lượng du khách trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về dài hạn, huyện Pác Nặm và tỉnh Bắc Kạn cần có những giải pháp mang tính tổng thể khắc phục những tồn tại đã chỉ ra để du lịch của huyện phát triển một cách bền vững.
4. Kết luận
Huyện Pác Nặm, huyện nghèo nhất cả nước, với những đặc trưng riêng và đặc biệt khó khăn về điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội đã dẫn đến thực trạng kém phát triển của du lịch. Tuy nhiên, đánh giá một cách khách quan, đây cũng có thể coi là điểm mạnh của huyện khi tập trung vào phát triển các loại hình du lịch sinh thái (gắn với tự nhiên, tập quán sản xuất và văn hóa cộng đồng) với tài nguyên thiên nhiên còn khá nguyên vẹn, mức độ đô thị hóa thấp và văn hóa bản địa được bảo tồn. Kết quả tổng hợp mức độ thu hút đối với du khách đang bộc lộ một số điểm yếu chính của du lịch Pác Nặm là mức đầu tư rất thấp cho du lịch, sự nghèo nàn về cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch và các sản phẩm du lịch.
Để phát triển du lịch thực sự có những đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Pác Nặm, việc tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch có nguồn gốc từ sản xuất nông nghiệp và văn hóa bản địa, làm tốt công tác quảng bá và truyền thông là hết sức cấp thiết hiện nay. Các nghiên cứu chi tiết hơn cũng như việc xây dựng cơ sở khoa học cho từng nhóm giải pháp cần được thực hiện. Kết quả của các nghiên cứu này sẽ được công bố ở các bài báo tiếp theo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- M. P. Hampton, J. Jeyacheya, and P. H. Long, “Can Tourism Promote Inclusive Growth? Supply Chains, Ownership and Employment in Ha Long Bay, Vietnam” The Journal of Development Studies, vol. 54, no. 2, pp. 359-376, 2018.
- D. V. Truong, “Tourism policy development in Vietnam: a pro-poor perspective” Journal of Policy Research in Tourism, Leisure and Events, vol. 5, no. 1, pp. 28- 45, 2012.
- V. D. Truong, C. M. Hall, and T. Garry, “Tourism and Poverty Alleviation: Perceptions and experiences of Poor People in Sapa, Vietnam”, Journal of Sustainable Tourism, vol. 22, no. 7, pp. 1071–1089, 2014.
- D. V. Truong, “Tourism, poverty alleviation, and the informal economy: the street vendors of Hanoi, Vietnam”, Tourism Recreation Research, vol. 43, no. 1, pp. 52- 67, 2018.
- Ľ. Bednárová, D. Kiseľáková, and E. Onuferová, “Competitiveness analysis of tourism in the European Union and in the Slovakia”, GeoJournal of Tourism and Geosites, vol. 23, no. 3, pp. 759–771, 2018.
- T. L. Pham, D. L. Dang, T. C. Vu, V. B. Nguyen, and N. K. Nguyen, “Resources and environment for tourism in Vietnam” (in Vietnamese), Hanoi: Education Publishing House, 2000.
- T. A. Tran, “Strengthening the connection between culture and tourism” (in Vietnamese), Tourism Journal of Vietnam, vol. 8, pp. 1-9, 2009.
- A. J. Strydom, D. Mangope, and U.S. Henama, “Making community-Based tourism sustainable: Evidence from the free state province, South Africa”, GeoJournal of Tourism and Geosites, vol. 24, no. 1, pp. 7–18, 2019.
- U. S. Henama, D. Mangope, and A. J. Strydom, “Economic sustainability guidelines for a community-based tourism project: The case of Thabo Mofutsanyana, Free State Province”, African Journal of Hospitality, Tourism and Leisure, vol. 6, no. 3, pp. 1-17, 2017.
- People’s committee of Pac Nam district, “Project on tourism development in Pac Nam district in the period of 2020-2025, orientation to 2030” (in Vietnamese), 2020.
- A. Correai and A. Pimpao, “Decision-making processes of Portuguese tourist traveling to South America and Africa”, Tourism and Hospitality Research, vol. 2, no. 4, pp. 330 – 373, 2008.
- W. Haider and G. O. Ewing, “A model of tourist choices of hypothetical caribbean destination”, Leisure Sciences, vol. 12, pp. 33 – 47, 1990.
- E. R. Morey, R. D. Rowe, and W. D. Shaw, “A discrete choice model of recreational participation site choice, and activity valuation when complete trip data are not available”, Journal of Environmental Economics and Management, vol. 20, pp. 181 – 201, 1991.
- J. Crompton, “Motivations for pleasure travel”, Annals of Tourism Research, vol. 6, pp. 408 - 424, 1979.
- T. K. Hsu, Y. F. Tsai, and H. H. Wu, “The preference analysis for tourist choice of destination: A case study of Taiwan”, Tourism Management, vol. 30, pp. 288 – 297, 2009.
- H. W. Schroeder and J. Louviere, “Stated choice models for predicting the impact of user fees at public recreation sites”, Journal of Leisure Research, vol. 31, no. 3, pp. 300 – 324, 1999.
- D. Shih, “VALS as a Tool of Tourism Market Research”, Journal of Travel Research, vol. 26, no. 4, pp. 2 – 11, 1986.
- T. E. Muller, “Using personal values to define segments in an international tourism market”, International Marketing Review, vol. 8, pp. 57 – 70, 1991
TS. Hoàng Hữu Chiến