Banner
Trang chủ TIN TỨC & SỰ KIỆN

NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA SINH VIÊN - GÓC NHÌN CỦA NGƯỜI HƯỚNG DẪN

21/02/2025 07:45 - Xem: 846
"Nghiên cứu khoa học của sinh viên – Góc nhìn của người hướng dẫn" là một báo cáo tham luận phục vụ báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng Chi bộ Khoa Quản lý Tài nguyên, nhiệm kỳ 2025-2027

Ngày 22/12/2024 , đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đồng thời Tổng bí thư cũng là trưởng ban chỉ đạo TW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp thì nhiệm vụ và giải pháp thứ 4 đó là “Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”. Như vậy, tập trung trong 5 năm tới đến 2030 và tầm nhìn đến 2045, vai trò và trách nhiệm của các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp là rất lớn dưới góc độ thúc đẩy NCKH, đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Trở lại với chủ đề chính tham luận của mình, tôi cho rằng: Nhiệm vụ chủ yếu của người học trong môi trường Đại học (giáo dục chuyên nghiệp) đó là: Học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học và phát triển các kỹ năng. Như vậy, ngoài việc trau dồi các kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực, chuyên ngành đang theo học, rèn luyện về đạo đức, tác phong, trách nhiệm với tập thể, xã hội và cộng đồng, nâng cao các kỹ năng về ngoại ngữ, giao tiếp… thì nghiên cứu khoa học được coi là nhiệm vụ quan trọng và không thể tách rời và có mối quan hệ biện chứng với các nhiệm vụ khác trong môi trường giáo dục chuyên nghiệp.

Một buổi bảo vệ của sinh viên

Quan điểm của tôi được tóm lại trong câu sau: “Học tập – Rèn luyện – Nghiên cứu khoa học – Phát triển kỹ năng là bốn trụ cột chính của người học trong môi trường giáo dục chuyên nghiệp”

NCKH là một phần tất yếu của giáo dục đại học: Ở các trường đại học lớn trên thế giới, người học được khuyến khích tham gia nghiên cứu ngay từ những năm đầu. Điều này giúp họ phát triển tư duy sáng tạo và sớm làm quen với phương pháp khoa học.

Nếu chỉ học lý thuyết mà không tiếp cận nghiên cứu, người học có thể thiếu kỹ năng thực hành, tư duy phản biện và khả năng áp dụng kiến thức vào thực tiễn. NCKH không phải là nhiệm vụ của riêng các người học giỏi, mà là cơ hội dành cho tất cả người học để phát triển bản thân và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thị trường lao động.

(Ở đây, tôi đưa quan điểm từ kinh nghiệm cá nhân tôi từ khi là người học đến khi là giảng viên hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu khoa học để đưa ra những thuận lợi, khó khăn và một số giải pháp cho Khoa Quản lý tài nguyên nói chung và trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên nói riêng).

  1. Thuận lợi

Người học có môi trường học thuật để làm nghiên cứu khoa học, được cung cấp kinh phí thực hiện nghiên cứu. Có cơ hội được tham gia các diễn đàn khoa học công nghệ (các cuộc thi sáng tạo ý tưởng KHCN, hội thảo chuyên ngành…).

  1. Khó khăn
    1. Một số khó khăn về mặt chủ quan
  • Người học trường ĐHNL nói chung, khoa QLTN nói riêng thụ động với vấn đề NCKH của người học tại trường. Cụ thể như việc Giảng viên chủ động đặt ra vấn đề nghiên cứu rồi mới tìm nhóm sinh viên (chủ yếu là nhóm sinh viên học khá, giỏi) để thực hiện.
  • Một bộ phận không nhỏ người học chưa hiểu được giá trị mang lại từ nghiên cứu khoa học nên có thái độ thiếu nghiêm túc trong việc thực hiện các nội dung về nghiên cứu.
  • Thiếu kiến thức và kỹ năng tích hợp các kiến thức lại trong việc tư duy ý tưởng nghiên cứu và thực hiện các nội dung của nghiên cứu khoa học.
  • Người học ít đọc tài liệu khoa học, ngay cả nhóm người học NCKH cũng chưa biết cách khai thác các tài liệu khoa học, cách đọc các tài liệu khoa học…
    1. Một số khó khăn khách quan

 Đặc thù là người học học theo hướng ngành quản lý nên trong khung chương trình học chưa tạo được sự hấp dẫn người học tư duy phát kiến các ý tưởng để trở thành các nghiên cứu.

  • Giảng viên “không mặn mà” với công việc hướng dẫn người học NCKH bởi nghĩ rằng “lợi thì ít mà trách nhiệm thì nhiều”.
  • Giải thưởng, khen thưởng người học nghiên cứu khoa học xuất sắc ở quy mô cấp khoa, cấp trường còn quá thiếu sự hấp dẫn về mặt đánh giá và công nhận cá nhân hoặc nhóm nghiên cứu “thực thụ”.
  • Cơ sở vật chất phục vụ NCKH quá thiếu thốn nếu chưa muốn nói là “không có gì”. Trong khi đó, kinh phí cấp cho thực hiện đề tài NCKH ở mức “quá thấp”.
  • Cách thức tổ chức thực hiện của Giảng viên hướng dẫn nhóm người học NCKH như hiện nay đang “Sai” về mặt tiếp cận khoa học. Ví dụ: Chọn hướng nghiên cứu “truyền thống” để đỡ mất thời gian, dễ làm…hay nói cụ thể là “chưa nghiên cứu đã biết kết quả”. Từ đó dẫn tới “ngại” tư duy và đề xuất thực hiện các ý tưởng mới.
  • Cơ chế quản lý KHCN của nhà trường hiện nay đang bó hẹp cơ hội thực hiện NCKH người học.

3. Giải pháp

3.1. Nâng cao nhận thức và động lực cho người học về nghiên cứu khoa học

Tổ chức các hội thảo, tọa đàm về NCKH định kỳ: Mời các nhà khoa học, doanh nghiệp, cựu người học thành công đến chia sẻ về lợi ích và cơ hội từ nghiên cứu khoa học, hoặc ứng dụng các NCKH trong thực tiễn, đời sống và công việc. Trình bày các nghiên cứu có ứng dụng thực tiễn trong lĩnh vực chuyên ngành để người học thấy rõ giá trị của NCKH.

Cho người học làm quen với đề tài nghiên cứu (kể cả các nghiên cứu nhỏ) ngay từ năm đầu, thay vì quy định như hiện nay là chỉ người học năm 2 trở đi mới được đề xuất ý tưởng NCKH.

3.2. Tăng cường hỗ trợ từ nhà trường, khoa chuyên môn và giảng viên

Cải thiện cơ chế hỗ trợ nghiên cứu: Đa dạng hóa về việc cấp kinh phí cho các nhóm nghiên cứu người học (có thể từ nhiều nguồn: quỹ khoa học của trường, của khoa, của doanh nghiệp, cá nhân tài trợ). Hỗ trợ trang thiết bị, phòng thí nghiệm, tài liệu nghiên cứu cho người học.

Cấp khoa cũng cần gây dựng các quỹ NCKH và tổ chức các đề tài NCKH cấp khoa (từ quỹ hoạt động KHCN cấp khoa hoặc quỹ kết nối doanh nghiệp). Đề tài NCKH cấp khoa được công nhận là công trình NCKH chính quy.

Giao nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể cho giảng viên: Yêu cầu giảng viên có trách nhiệm hướng dẫn người học NCKH (Nhiệm vụ bắt buộc), không chỉ dừng lại ở giảng dạy lý thuyết và NCKH giảng viên. Tạo cơ chế đánh giá giảng viên dựa trên số lượng và chất lượng người học tham gia nghiên cứu (Chú ý gắn với quyền lợi của giảng viên từ đó cũng phải được đáp ứng theo trách nhiệm này).

Thiết lập nhóm nghiên cứu liên ngành: Kết nối người học từ các ngành khác nhau (Quản lý Tài nguyên, Nông học, công nghệ thực phẩm, lâm nghiệp, môi trường...) để tạo ra các nghiên cứu có tính ứng dụng cao hơn. Tạo điều kiện cho sinh viên, người học tham gia vào thực hiện các đề tài NCKH giảng viên (đề tài các cấp).

Xây dựng "Câu lạc bộ Nghiên cứu Khoa học" để người học có cơ hội trao đổi ý tưởng. Giao Đoàn thanh niên tổ chức hoạt động “Seminar” người học NCKH định kỳ (hàng tuần hoặc hàng tháng) và có cơ chế cấp khoa quan tâm đến hoạt động này.

3.3. Cải tiến quy trình tổ chức đánh giá và công bố kết quả nghiên cứu

Đơn giản hóa thủ tục đăng ký đề tài nghiên cứu: Xây dựng cổng thông tin trực tuyến để người học dễ dàng đăng ký, cập nhật tiến độ nghiên cứu. Hỗ trợ người học viết đề xuất, thuyết minh nghiên cứu, tìm kiếm tài liệu, chuẩn bị báo cáo…

Xây dựng ngân hàng cơ sở dữ liệu từ các nghiên cứu khoa học, đề tài các cấp để người học có thể khai thác, tham khảo sử dụng cho các nghiên cứu phát triển các ý tưởng trong lĩnh vực, tránh lãng phí thông tin, dữ liệu đã được điều tra và thu thập từ các nghiên cứu trước đây.

Tạo kênh công bố và ứng dụng kết quả nghiên cứu: Phát triển tạp chí khoa học của trường dành riêng cho người học. Hợp tác với doanh nghiệp, hợp tác xã để ứng dụng nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất. Hỗ trợ người học đăng bài trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế.

Tổ chức xét chọn và vinh danh các nhóm, cá nhân là NGƯỜI HỌC có thành tích cao trong NCKH ở quy mô bài bản và chuyên nghiệp hơn.

3.4. Kết nối với doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu

Hợp tác với doanh nghiệp để định hướng đề tài nghiên cứu: Xây dựng chương trình "Doanh nghiệp đồng hành cùng người học NCKH", trong đó các công ty sẽ đề xuất bài toán thực tế để người học giải quyết (Đề tài đặt hàng của doanh nghiệp). Hỗ trợ người học thực tập tại các viện nghiên cứu, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chuyên môn để tiếp cận thực tế.

Tạo quỹ học bổng cho người học NCKH: Kêu gọi tài trợ từ các doanh nghiệp, cự người học để tạo quỹ khuyến khích người học thực hiện nghiên cứu khoa học. Duy trì và quản lý quỹ để hoạt động ngày càng phát triển (Cái này trung tâm ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp đảm nhiệm là rất phù hợp). Kết hợp học bổng với cam kết phát triển nghiên cứu thực tiễn, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

……………………………………………………………………………..

ThS. Chu Văn Trung

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN